xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tập trung nguồn lực cho công trình trọng điểm

Bài và ảnh: VÂN DU

Tuy sở hữu nhiều "cái nhất" nhưng các tỉnh, thành ĐBSCL đã và đang đối mặt những khó khăn, thách thức cần sớm được tháo gỡ để phát triển bền vững

Thời gian qua, với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, nhiều công trình trọng điểm kết nối vùng ĐBSCL đã được triển khai thực hiện, như: tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2...

Nhận diện những "điểm nghẽn"

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của ĐBSCL đạt 6,37% - đứng thứ 2 trong 6 vùng kinh tế; môi trường kinh doanh được cải thiện... Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP vùng ĐBSCL ước đạt 6,12%, trong đó một số tỉnh đạt mức khá như: Trà Vinh, Hậu Giang và Cà Mau.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm đầu tư, sửa chữa âu thuyền Tắc Thủ để kiểm soát nước mặn

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm đầu tư, sửa chữa âu thuyền Tắc Thủ để kiểm soát nước mặn

Tuy đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng các tỉnh, thành ĐBSCL vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, cần sớm được tháo gỡ để vùng đất "chín rồng" sớm cất cánh.

Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tiểu vùng bán đảo Cà Mau đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi xâm nhập mặn; một số nơi bị nước biển tràn vào nội đồng khi thủy triều dâng cao… Hệ thống thủy lợi của tiểu vùng được đầu tư từ lâu đã xuống cấp hoặc còn thiếu nên không ngăn được triều cường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Đến nay, Cà Mau có 187 km bờ biển, 425 km bờ sông bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở với các mức độ khác nhau. Trong 10 năm nay, địa phương này mất khoảng 5.250 ha đất rừng do sạt lở bờ biển... Cà Mau là địa phương duy nhất ở ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung từ hệ thống sông Mê Kông nên chủ yếu sử dụng nước ngầm, dễ gây những hệ lụy trong tương lai. Nếu không có giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển kịp thời thì sạt lở sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Chưa kể, hạn hán kéo dài sẽ dẫn đến thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Các kỹ sư vận hành công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Các kỹ sư vận hành công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Ông Huỳnh Quốc Việt kiến nghị: "Cà Mau mong trung ương hỗ trợ vốn để địa phương khắc phục sạt lở bờ biển Đông; đầu tư các công trình thủy lợi chống xâm nhập mặn và sụt lún đất ở vùng ngọt hóa... Chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan xây dựng hệ thống dẫn nước ngọt từ sông Hậu để cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân các tỉnh ven biển, như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Đồng thời, xem xét hỗ trợ khoảng 250 tỉ đồng để Cà Mau đầu tư thêm hồ chứa nước ngọt quy mô lớn cung cấp nước sạch cho các hộ dân và là nguồn nước phục vụ việc phòng cháy chữa cháy rừng".

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng hơn một thế kỷ qua, ĐBSCL đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán, xâm nhập mặn... Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, tập hợp những quyết sách kịp thời, thể hiện khát vọng phát triển vùng theo hướng bền vững, an toàn và thịnh vượng.

Tại Kiên Giang, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đưa vào vận hành đã chuyển đổi tư duy từ "chống đỡ" sang "chủ động kiểm soát" nguồn nước mặn, ngọt, lợ. Ngoài việc kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí xây dựng đoạn kè sạt lở khoảng 20 km, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang còn đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) sớm đầu tư, sửa chữa âu thuyền Tắc Thủ để kiểm soát nguồn mặn từ biển Đông.

Tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL lần thứ 4 tổ chức ở Cà Mau mới đây, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành cũng đề xuất các bộ, ngành chức năng quan tâm hơn nữa trong việc xử lý "điểm nghẽn" về hạ tầng giao thông của địa phương. Theo đó, cần mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương; sớm triển khai tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ; sớm có cơ chế, chính sách trong việc khai thác cát biển phục vụ các dự án giao thông trọng điểm...

Các địa phương tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết bộ đã phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh, thành ĐBSCL trong việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, ưu tiên đầu tư trước các công trình có tính tích hợp thực hiện giải pháp nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.

Các giải pháp về sử dụng vật liệu mới như cát biển cũng đã được Bộ GTVT hoàn tất triển khai thí điểm. Mỏ cát biển ở Sóc Trăng bắt đầu được khai thác để làm vật liệu đắp nền đường cho những đoạn, tuyến cao tốc đi qua địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Trong khi đó, đại diện Bộ NN-PTNT khẳng định sẽ tập trung đầu tư các công trình kiểm soát mặn, phòng chống sạt lở. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp hệ thống nước sạch tập trung, phục vụ nhu cầu của người dân vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Tại hội nghị nêu trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả những giải pháp đã đề ra để phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững. Các tỉnh, thành ĐBSCL phải tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển lĩnh vực thế mạnh của từng địa phương.

Cụ thể, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sinh thái bền vững gắn với những sản phẩm trọng tâm của vùng, nhất là ngành thủy sản, trái cây, lúa gạo... Ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp xanh, năng lượng sạch... gắn với việc bảo vệ rừng và bờ biển.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan tỏa lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, như: đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; tuyến Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1; đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh... Tôi đề nghị các địa phương có dự án đi qua tiếp tục tháo gỡ vướng mắc liên quan việc giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu đắp nền để bảo đảm tiến độ công trình". 

Đường sắt TP HCM - Cần Thơ khởi công trước năm 2030

Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, Bộ GTVT đang nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ.

Đây là dự án quan trọng, được Bộ GTVT ưu tiên bố trí vốn triển khai nghiên cứu đầu tư, phấn đấu khởi công trước năm 2030. Dự án dự kiến hoàn thành trước năm 2035 để bổ sung phương thức vận tải bền vững, không phát thải cho vùng ĐBSCL.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Tập trung nguồn lực cho công trình trọng điểm- Ảnh 3.

Tập trung nguồn lực cho công trình trọng điểm- Ảnh 4.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo