xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tập trung ứng phó hạn, mặn gay gắt

VÂN DU - CA LINH - DUY NHÂN

Nhiều giải pháp thiết thực nhằm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang được các ngành chức năng và người dân ĐBSCL khẩn trương áp dụng

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (SIWRR), từ đầu năm 2025 đến nay, dòng chảy về ĐBSCL giảm nhanh khiến nước mặn xuất hiện sớm trên các cửa sông. Theo đó, từ tháng 1, nước mặn đã vào sâu các cửa sông và đạt đỉnh trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4-2025.

Khắc nghiệt hơn năm 2024

Dự báo của các cơ quan chuyên môn cũng cho thấy ngay những tháng đầu năm 2025, ĐBSCL nhiều khả năng xảy ra xâm nhập mặn sâu các cửa sông. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 cao hơn trung bình nhiều năm. Các địa phương ven biển có thể bị ảnh hưởng trong các kỳ triều cường vào cuối mùa khô.

Nông dân ĐBSCL tranh thủ lấy nước ngọt để sản xuất nông nghiệp sau Tết  Ảnh: HOÀNG VŨ

Nông dân ĐBSCL tranh thủ lấy nước ngọt để sản xuất nông nghiệp sau Tết .Ảnh: HOÀNG VŨ

Tuần qua, tình trạng xâm nhập mặn tiếp tục căng thẳng, độ mặn tăng cao và duy trì ở mức 4 g/lít khi đạt đỉnh tại các nhánh sông Tiền cách biển 40-45 km; sông Hàm Luông cách biển 50-55 km, sông Cổ Chiên 55-60 km và sông Hậu 48-53 km.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau, cho biết địa phương là tỉnh ven biển duy nhất ở ĐBSCL không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các con sông lớn đầu nguồn nên chủ yếu phụ thuộc vào nước ngầm và nước mưa. Vì vậy, các huyện vùng ngọt hóa của tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn, mặn.

Thời gian tới, tình hình hạn, mặn sẽ diễn ra gay gắt hơn do biến đổi khí hậu. Ông Vũ cho rằng nếu không chuẩn bị giải pháp ứng phó hợp lý thì tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.

Trong khi đó, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, nguồn nước thượng nguồn ngày càng thiếu hụt. Đây là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến nước mặn trên địa bàn năm 2025 sẽ xâm nhập sâu hơn với độ mặn cao hơn năm 2024.

Xây dựng kịch bản rủi ro thiên tai

SIWRR cảnh báo tình trạng mặn đã bắt đầu ảnh hưởng đến các vùng ven biển ĐBSCL, trong khi nước ngọt dự trữ giảm nhanh nhưng ít có cơ hội bổ sung nguồn nước.

Người dân trữ nước mưa để dành sử dụng trong những tháng hạn, mặn khắc nghiệt Ảnh: VÂN DU

Người dân trữ nước mưa để dành sử dụng trong những tháng hạn, mặn khắc nghiệt .Ảnh: VÂN DU

Theo SIWRR, những ngày cuối tuần, khi độ mặn được dự báo giảm là cơ hội để lấy nước, cần tranh thủ tích trữ ngay khi có thể. Để bảo đảm đủ nước sản xuất vào các tháng mùa khô, các địa phương cần tăng cường giám sát tình hình xâm nhập mặn, tranh thủ tích nước khi có thể và cập nhật bản tin dự báo thường xuyên.

Trước những dự báo bất lợi liên quan hạn, mặn năm 2025, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã ban hành phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai đối với vùng ngọt trên địa bàn. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và hợp lý, ngành chức năng tỉnh còn triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng chống hạn, mặn ở vùng ngọt theo nguyên tắc ưu tiên nước sinh hoạt, nước phòng cháy chữa cháy rừng.

Tại Vĩnh Long, theo ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, để chủ động đối phó xâm nhập mặn, sở đã đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thực tế. Các địa phương sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra mực nước, đo độ mặn, vận hành các công trình thủy lợi; kịp thời lấy và trữ nước ngọt tối đa trong hệ thống kênh rạch, ao hồ khi độ mặn giảm nhằm phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đối với diện tích cây trồng vụ đông xuân 2024-2025 đã xuống giống, các địa phương phải bảo đảm nguồn nước ngọt để tưới.

Tại Trà Vinh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN-PTNT xây dựng 2 kịch bản rủi ro thiên tai xảy ra và giải pháp phòng chống, ứng phó theo từng kịch bản. Mỗi kịch bản đều có giải pháp phòng chống chi tiết để từng địa phương theo chức năng, nhiệm vụ chủ động thực hiện.

"Mỗi giải pháp phải đáp ứng yêu cầu tập trung mọi nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ - chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ - để thực hiện hiệu quả" - ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, nhấn mạnh.

Kiên Giang là một trong những địa phương ở ĐBSCL thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra. Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết sở đã yêu cầu Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành linh hoạt hệ thống cống ven biển để ngăn mặn, giữ ngọt, bảo đảm phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Cụ thể, vận hành hệ thống cống trên địa bàn TP Rạch Giá, huyện Châu Thành (ven sông Cái Bé) để giữ ngọt phục vụ sản xuất, cung cấp cho các hồ chứa nước.

Tại các địa bàn biển đảo, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đang phối hợp với địa phương chủ động tích nước các hồ chứa - như hồ Dương Đông ở TP Phú Quốc, hồ Bãi Nhà và Cây Mến ở huyện Kiên Hải - để cung cấp cho người dân sinh hoạt. Nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp, bảo đảm nguồn nước sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô 2024 - 2025, Kiên Giang còn bố trí hơn 118 tỉ đồng để xây dựng, sửa chữa cống, trạm bơm điện, đắp đập ngăn mặn, nạo vét kênh mương kết hợp làm đê bao, bờ bao, vận hành cống... 

Chủ động nguồn nước ngọt

Sau nhiều năm "sống chung" với hạn hán và xâm nhập mặn, nhiều hộ dân ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã đúc kết được không ít kinh nghiệm để thích ứng hiện tượng thời tiết cực đoan. Chẳng hạn, tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, nhiều hộ dân tiết lộ họ đã thuê phương tiện cơ giới đào ao rồi lót bạt bên dưới để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất ngay từ đầu mùa mưa.

"Tôi có 20 thùng phuy nhựa đựng nước mưa nên không lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Với 1 ha đất ruộng, gia đình đã chuyển sang trồng bí rợ. Khi mùa khô diễn ra khắc nghiệt, tôi lấy nước trong các ao đã đào trữ trước đó để tưới cho hoa màu. Nhờ sản xuất linh hoạt và chủ động nguồn nước ngọt nên người dân ở đây cũng bớt lo khi hạn, mặn diễn biến phức tạp" - ông Nguyễn Văn Toàn, ngụ xã Trần Hợi, cho hay.

Tập trung ứng phó hạn, mặn gay gắt- Ảnh 3.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo