Theo Công ty Astrobotic - đơn vị tư nhân đã chế tạo tàu Peregrine, tàu đổ bộ Mặt Trăng này đã bắt đầu đường rơi xuống Trái Đất từ hôm 13-1, sau khi sự cố rò rỉ nhiên liệu khiến nó "chết" dần.
Peregrine từng được đặt rất nhiều kỳ vọng. Nếu đổ bộ thành công vào tháng 2 năm nay theo dự kiến, tàu vũ trụ này sẽ đánh giấu sự trở lại của nước Mỹ trên bề mặt Mặt Trăng sau hơn nửa thế kỷ, cũng như trở thành con tàu đổ bộ tư nhân đầu tiên chạm tới thiên thể này.
Peregirne cũng mang theo 5 gói nghiên cứu của NASA lên Mặt Trăng, cùng một số gói nghiên cứu và hàng hóa của nhiều nước khác, bao gồm tro cốt của một người. Chính việc mang tro cốt này đã gây nên làn sóng tranh cãi.
Theo Space.com, sự cố đã bắt đầu chỉ 6 giờ sau khi phóng, khi tàu đổ bộ vừa tách thành công khỏi tên lửa đẩy. Sau nỗ lực tìm kiếm giải pháp, Astrobotic buộc phải thừa nhận rằng tàu vũ trụ sẽ không bao giờ chạm tới Mặt Trăng.
Vào hôm 13-1, công ty này cho biết tàu này đang trên đường lao trở lại Trái Đất nhưng vẫn cố điều chỉnh nó một chút.
Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của NASA và chính phủ Mỹ, Astrobotic đã quyết định để tàu này "tự sát" trong bầu khí quyển Trái Đất.
Ngoài thông báo đơn giản mới nhất về mốc thời gian Peregrine chạm vào thượng tầng khí quyển Trái Đất là ngày 18-1, công ty không cung cấp chi tiết về địa điểm hay giờ nó dự kiến sẽ lao vào bầu khí quyển.
Theo giờ miền Đông nước Mỹ, ngày 18-1 ở quốc gia này sẽ tương ứng khoảng thời gian từ 12 giờ trưa 18-1 đến 12 giờ trưa 19-1 ở Việt Nam.
Quyết định lao vào bầu khí quyển này là nhằm ngăn chặn việc để lại rác vũ trụ trong vùng không gian quanh Trái Đất.
Bởi lẽ, mối nguy cơ từ rác vũ trụ đang ngày một gia tăng. Ngoài NASA, nhiều cơ quan vũ trụ khác, bao gồm ESA và Roscosmos (cơ quan vũ trụ của châu Âu và Nga), đã tính toán tới các phương án để loại bỏ bớt rác vũ trụ này.
Các mảnh rác vũ trụ được cho là nguyên nhân khiến 3 tàu vũ trụ của Nga bị hỏng hóc từ cuối năm 2022 đến năm 2023, cũng như khiến Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) phải di dời nhiều lần để tránh các mảnh vỡ đang lao đến.
Bình luận (0)