Từ lâu, các dự án lập căn cứ ngoài hành tinh như Mặt Trăng và Sao Hỏa đã chú trọng nghiên cứu những nơi mà con người có thể dùng để trú ẩn, chống lại bức xạ vũ trụ khắc nghiệt.
Đó cũng là nơi các nhà sinh học thiên văn quan tâm. Bởi lẽ ở các thế giới không may mắn như Trái Đất có được lớp khí quyển mạnh mẽ che chắn, các tác động từ vũ trụ là điều cản trở sự sống.
Có một nơi có thể giải quyết điều đó: Những hang động có nguồn gốc từ ống dung nham cổ đại.
Theo Universe Today, hình ảnh một chiếc lỗ kỳ quặc được tàu NASA chụp lại ở vùng Arsia Mons của Sao Hỏa được kỳ vọng là lối vào một ống dung nham như thế.
Arsia Mons là một trong 3 ngọn núi lửa không hoạt động trong nhóm Tharsis Montes của Hỏa Tinh.
Bao bọc lấy cụm núi lửa này là một đồng bằng núi lửa rộng lớn có chiều ngang hàng ngàn km. Nó cao hơn so với phần còn lại của Sao Hỏa, với cao độ trung bình của cả đồng bằng lớn hơn cao độ trung bình của hành tinh khoảng 10 km.
Rõ ràng, khu vực này đã từng có hoạt động núi lửa trong quá khứ và các đặc điểm như hố là kết quả trực tiếp của hoạt động núi lửa thời cổ đại.
Một điều mà các nhà khoa học còn ngờ vực đó là liệu hố này có phải chỉ là một dạng hố nông như một số hố sụt từng được ghi nhận ở Hawaii của Trái Đất hay không.
Sự phản chiếu ánh sáng ở một bên vách hố đã làm dấy lên mối hoài nghi đó, bởi có thể hố này không thực sự sâu và mở rộng bên dưới như các nhà khoa học kỳ vọng.
Tuy nhiên, các phân tích của NASA cũng cho thấy với lực hấp dẫn khá yếu của Sao Hỏa, việc ống dung nham của nó không thể vĩ đại, phức tạp như ống dung nham của Trái Đất cũng không có gì lạ.
Các ống dung nham ở Trái Đất thường có môi trường ôn hòa và một số thành phần hóa học mà các vi sinh vật có thể tận dụng làm nguồn sống, có thể chứa cả nguồn nước.
Vì vậy, đó sẽ là nơi các sứ mệnh tương lai của NASA và các cơ quan vũ trụ khác có thể sẽ nhắm đến, bởi Sao Hỏa cũng là một trong những hành tinh được kỳ vọng có sự sống nhất, bao gồm sự sống cổ đại và nếu may mắn hơn là một dạng sống cực đoan đến nay vẫn tồn tại.
Bình luận (0)