DART là tàu vũ trụ "cảm tử", nhận nhiệm vụ lao mình vào tiểu hành tinh Dimorphos, "mặt trăng" của một tiểu hành tinh lớn hơn tên Didymos.
Nhiệm vụ này nhằm làm chệch hướng Dimorphos, như một cuộc tập trận phòng thủ Trái Đất: Nếu có một tiểu hành tinh nào lao mình vào địa cầu trong tương lai, một tàu vũ trụ tương tự DART sẽ đẩy nó chệch đi.
Cú lao mình khiến tàu vũ trụ nặng nửa tấn này vỡ nát, trong khi Dimorphos cũng vỡ ra một phần và bị chuyển hướng.
Trong nghiên cứu mới, TS Peña-Asensio và các cộng sự đã xem xét vùng mảnh vỡ hỗn độn mà vụ va chạm đã tạo ra, cũng như những yếu tố có thể tác động đến vùng mảnh vỡ đó.
Dựa vào mô hình của vụ va chạm, họ nhận thấy nhiều mảnh vỡ có khả năng cận trường hấp dẫn của Sao Hỏa trong 13 năm đối với vận tốc phóng khoảng 450 m/giây.
Trong khi đó, một số mảnh vỡ bị bắn đi mạnh nhất đang lao trong không gian với vận tốc 770 m/giây, có thể tiến tới hệ thống Trái Đất - Mặt Trăng trong khoảng thời gian tương tự.
“Trong những thập kỷ tới, các chiến dịch quan sát thiên thạch sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định liệu các mảnh vỡ của Dimorphos do tác động của DART có đến được hành tinh của chúng ta hay không” - TS Peña-Asensio cho biết.
Khả năng các mảnh vỡ này tiến tới Trái Đất là khá cao nhưng theo các tác giả, chúng ta không cần quá lo lắng.
Các mảnh vỡ từ vụ va chạm này khá nhỏ và dự kiến sẽ chỉ gây ra cảnh tượng mưa sao băng trên bầu trời Trái Đất, khi từng mảnh bị cháy tan trong bầu khí quyển.
Theo TS Peña-Asensio, nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ chứng kiến trận mưa sao băng đầu tiên do con người tạo ra.
NASA vẫn đang tìm hiểu thêm các tác động lan tỏa tiềm năng từ sứ mệnh năm 2022.
Ngoài ra, cơ quan này sẽ hợp tác với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) để xem xét trực tiếp về các tác động.
Tàu vũ trụ Hera của ESA sẽ được phóng vào tháng 10 này, với sứ mệnh tiếp cận Dimorphos và thực hiện cuộc "điều tra hiện trường".
Bình luận (0)