Cụ Trần Đạo Hoài (chồng cụ Lân, đã mất) vốn là cháu nội của Thượng thư Bộ lễ Trần Đạo Tiềm - quản giáo Trường Quốc học Huế dưới triều Nguyễn. Sinh thời, cụ Trần Đạo Hoài làm việc tại Học viện Quân y.
Còn cụ Lân xuất thân từ tiểu thư con quan dưới triều Nguyễn tại Nha Trang. Với tinh thần yêu nước, năm 1945, cụ Lân tham gia cách mạng, làm quân y thuộc Liên khu 5 - chiến đấu từ Huế đến Quảng Ngãi. Sau năm 1975, cụ Lân trở lại Nha Trang công tác tại Bệnh viện Quân y 87. Hiện cụ Lân đã 75 năm tuổi Đảng.
Cùng đi qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và với truyền thống khoa cử nên 4 thế hệ gia đình cụ Lân luôn giữ được sự hòa thuận, đầm ấm. Cụ Lân hiện có 3 người con, 6 người cháu và 8 chắt nội ngoại. Tổng gia đình cả dâu, rể là 27 người. Trong 3 người con của cụ Lân có ông Trần Đạo Nghĩa nguyên là Trưởng Khoa Văn hóa - Du lịch Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.
Dâu rể của cụ tổng cộng 8 người đều làm nghề giáo viên. Gia đình 4 thế hệ nhà cụ Lân đã được Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen công nhận là Gia đình hiếu học toàn quốc. Hiện nay, gia đình cụ Lân có 1 người có học vị tiến sĩ, 3 thạc sĩ, 9 cử nhân.
Sau đợt dịch COVID-19, cụ Hoài mất, để lại khoảng trống lớn nên cụ Lân bắt đầu lẫn và thường kể chuyện xưa. Ông Trần Đạo Nghĩa cho biết dù trí nhớ không còn minh mẫn nhưng mỗi lần lo bữa cơm, giấc ngủ cho mẹ, bà đều dặn dò ông nhiều điều.
"Mẹ dặn phải thường xuyên gặp gỡ con cháu, phải dạy các con yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Con dâu bận công tác thì con trai biết giúp vợ. Mọi người trong gia đình phải cùng chia sẻ, gánh vác cho nhau thì mọi chuyện trong nhà mới êm ấm..." - ông Nghĩa nói.
Nếp nhà Việt không chỉ ở thành phố mà còn thể hiện rõ ở các vùng nông thôn. Việc "tam đại đồng đường", "tứ đại đồng đường" không quá hiếm gặp ở thị xã Ninh Hòa như gia đình cụ Đinh Thị Chín (80 tuổi; ngụ thôn Nông Trường, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa).
Cụ Chín sống từ nhỏ ở Ninh Hòa, bén duyên và cùng chồng đi khai hoang ở xã Ninh Sim. Cuộc sống dù nhiều khó khăn nhưng gia đình cụ rất hòa thuận. Cụ Chín hiện sống cùng 5 người con trong một khuôn viên với 5 nhà liền kề trên mảnh đất của gia đình.
Trong đó, cụ Chín sống chung với người con trai út ở gian nhà giữa. Hiện cụ có 11 người cháu và 3 chắt. Trong đó, chắt nội lớn nhất đã học lớp 2. Với nụ cười luôn rạng rỡ trên môi, niềm hạnh phúc nhất của cụ Chín là ngày nào cũng được cưng nựng đứa chắt mới 3 tuổi.
Anh Trương Công Nhân, cháu nội cụ Chín, năm nay 24 tuổi, đang công tác ở Nha Trang. Anh kể bình thường gia đình đã đông đúc nhưng vẫn thiếu vì các cháu đi học xa, đi làm ở thành phố. Đông nhất là dịp Tết đến, các gia đình tề tựu, cùng nấu ăn, quét dọn nhà cửa, đi tảo mộ. Như một truyền thống, cứ mùng một Tết là tất cả con cháu tập trung vào gian nhà giữa để mừng tuổi bà Chín.
Dù công việc bận rộn nhưng cuối tuần, anh Nhân thu xếp công việc để về nhà, thăm gia đình và thăm bà. Mỗi lần nghe tin cháu về, bà đều ra hiên nhà chờ.
"Bà vui lắm! Đặc biệt, bà hay dặn dò các cháu phải cố gắng học tập. Nghe lời bà, tôi cố gắng học tập, đến nay đã tốt nghiệp đại học để không phụ lòng tin của bà. Trong gia đình, bà chính là điểm tựa tinh thần cho con cháu" - anh Nhân kể.
Gia đình 4 thế hệ cùng ở một nhà, theo ông Trần Đạo Nghĩa, có nhiều cái khó như mỗi thế hệ có một niềm vui, sở thích riêng, ăn uống cũng khác nhau. Các cụ ăn theo chế độ riêng còn các cháu thì thích các đồ ăn nhanh. Khách khứa, bạn bè của mỗi thế hệ cũng khác.
Tuy vậy, bí quyết để một gia đình nhiều thế hệ sống hạnh phúc bên nhau đó là sự hài hòa giữa cũ và mới. Trong giáo dục con cháu không quá áp đặt lề thói xưa, không cấm đoán yếu tố hiện đại. Con cháu cần giữ trung hiếu, học tập, tôn trọng tôn ti thuận hòa gia đình. Mỗi khi có việc lớn, cả đại gia đình cùng chung sức.
"Theo nếp nhà mà cha mẹ để lại, tôi luôn cố gắng kính trên nhường dưới; luôn hỏi thăm ý kiến các cụ, tạo sự đồng thuận với các em, quan tâm đến con cháu. Là ông nội, ông ngoại, tôi dặn dò con, cháu rằng vật chất mất đi có thể kiếm lại nhưng tình cảm mất đi sẽ khó mà đong đầy. Tình cảm gia đình là cái quý trọng nhất, là điều mà con cháu phải khắc ghi trong tim" - ông Nghĩa đúc kết.
Điều vui nhất của gia đình tứ đại đồng đường là con cháu sum vầy dịp Tết, là tình cảm của anh chị em, là con chú con bác luôn gần gũi, quan tâm, quý mến nhau. Gia đình có truyền thống dù đi đâu thì đến tối 30 Tết đều tập trung về ăn bữa cơm đại gia đình. Sau đó, con cháu báo cáo tình hình học tập, công tác, kể những câu chuyện vui cho ông bà, cha mẹ cùng nghe. Ông bà thăm hỏi từng đứa cháu, chắt rồi có quà khen thưởng thành tích và mừng tuổi cho các cháu.
Thế hệ trẻ bây giờ thích cuộc sống tự do hơn, cách suy nghĩ và lối sống khác hơn nên không phải ai cũng muốn chung sống với ông bà, bố mẹ. Nhưng với ông Nghĩa, việc ông bà, con cháu sống chung có rất nhiều ưu điểm. Đó là thể hiện đạo hiếu của người Việt Nam, con cái yên tâm về sức khỏe cha mẹ. Ngược lại, cha mẹ có thể bảo ban con cháu.
Quan trọng hơn, lòng yêu thương, gắn bó, sự quan tâm của các thành viên trong gia đình sẽ là sợi dây gắn kết mọi người lại với nhau. Một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nhiều thế hệ sẽ kế thừa và thẩm thấu được những giá trị truyền thống, đạo đức của gia đình ấy. Khi ra ngoài xã hội, đứa trẻ biết cách ứng xử với người trên, người dưới, biết yêu thương chăm sóc người khác hơn.
Bình luận (0)