Phim "Sáng đèn" của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường là tác phẩm mới nhất được tái chiếu sau khi rời đường đua Tết Giáp Thìn. Doanh thu phim không khả quan trong thời điểm phim Hàn Quốc "Quật mộ trùng ma" đang gây sốt thị trường, thu hút lượng lớn khán giả Việt chọn lựa thưởng thức.
Doanh thu bấp bênh
Phim "Sáng đèn" có bối cảnh trải dài từ thập niên 1990 đến những năm 2000, kể lại hành trình nhiều thăng hoa nhưng cũng đầy biến cố của đoàn cải lương Viễn Phương với những người nghệ sĩ đam mê, hết mình với nghề. Nhiều câu chuyện hậu trường lần đầu được kể, thấm đẫm tình sắt son của người nghệ sĩ với nghề; tình yêu đôi lứa, sự gắn bó của những người chung kiếp "cầm ca". Phim có nội dung dễ hiểu, gần gũi, chi tiết hài hước dễ thương, gây cười tự nhiên, mang đến sự thoải mái cho người xem. Các tiết mục cải lương trong phim được chăm chút, thời lượng vừa phải.
Dàn diễn viên: NSƯT Lê Thiện, NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Chí Tâm, NSƯT Kim Tử Long, Lê Phương, Cao Minh Đạt, Bạch Công Khanh, Trúc Mây... diễn tốt, tâm huyết. Song đáng tiếc là phim thiếu "chất" điện ảnh, cách kể chuyện theo lối cũ nên đôi khi lan man, dài dòng. Phim chiếu lần đầu vào ngày 10-2 (mùng 1 Tết) và công bố rút khỏi rạp từ ngày 12-2 (mùng 3 Tết), chỉ sau 2 ngày phục vụ khán giả (từ trọn ngày 10-2 đến hết ngày 11-2).
Trở lại rạp lần 2 chính thức từ ngày 22-3 và có các suất chiếu sớm từ 18 giờ ngày 20-3 và cả ngày 21-3, lần trở lại này doanh thu của phim không mấy khả quan. Theo trang Box Office Vietnam, tính đến trưa 27-3, phim thu được hơn 2,5 tỉ đồng, con số này đã bao gồm hơn 715 triệu đồng phim thu được khi chiếu lần đầu.
Trước đó, khi thông báo rút khỏi đường đua phim Tết, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Điều hành Tổ hợp giải trí và Truyền thông Mega GS, cho rằng phim sẽ trở lại vào thời điểm khác là để tác phẩm có cơ hội tiếp cận với khán giả nhiều hơn. Thời điểm phim ra rạp lần 2, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường bày tỏ lo lắng không biết phim có phù hợp với khán giả ở thời điểm này hay không. Phim cũng sẽ phải cạnh tranh với nhiều tác phẩm ngoại nhập chiếu rạp đang được khán giả ủng hộ. Tuy nhiên, anh cũng hy vọng sẽ có được kết quả tốt vì phim được khán giả đón nhận, dành nhiều lời khen trong lần ra mắt đầu tiên.
"Sáng đèn" không phải phim Việt đầu tiên rút khỏi rạp và tái chiếu ở thời điểm khác. Phim "Trà" của đạo diễn Lê Hoàng cũng rời đường đua phim Tết Giáp Thìn và hiện chưa có ngày tái chiếu. Phim "Siêu lừa gặp siêu lầy" dời lịch chiếu sau khi đã quảng bá rầm rộ, không tham gia đường đua phim Tết Quý Mão. Phim "Võ sinh đại chiến" rời rạp sau 6 ngày công chiếu vào năm 2021 và tái chiếu vào năm 2023... Ở mảng phim nước ngoài, trong dịp Tết Giáp Thìn, một số phim Trung Quốc cũng rút khỏi rạp như: "Bát Giới Thiên Bồng hạ phàm", "Mèo thần tài đến từ bầu trời", "Cùng nhau rung chuyển mặt trời", "Quý ông thảm đỏ". Phim "Quý ông thảm đỏ" đã trở lại rạp từ ngày 15-3.
Trong số các phim Việt đã rút khỏi rạp và tái chiếu, ngoài phim "Siêu lừa gặp siêu lầy" thắng phòng vé, tất cả đều có doanh thu không khả quan. Phim "Quý ông thảm đỏ" dù có Lưu Đức Hoa đóng chính cũng có mức doanh thu ảm đạm, thua lỗ lớn.
Khó tạo tiền lệ
Nhiều người trong giới cho rằng việc phim điện ảnh ra mắt thời gian ngắn thấy không gặt hái doanh thu tốt thì rút lại và chiếu thời điểm khác là một chọn lựa đầy rủi ro của nhà sản xuất. Bởi lẽ lâu nay, những phim điện ảnh chọn chiếu lại rạp lần nữa đều là các loạt phim chiếu nhiều phần hoặc những phim doanh thu rất cao, độ nổi tiếng lớn, được khán giả thích và mong muốn thưởng thức lại ngoài rạp.
Ở rạp Việt, các nhà phát hành cũng từng chiếu lại 3 phần phim của loạt "Harry Potter", phim "Ký sinh trùng"… Một số phim Việt được chiếu lại sau thời gian "oanh tạc" phòng vé như phim: "Mắt biếc", "Hai Phượng", "Người bất tử"… Đa phần, những phim điện ảnh chiếu lại này sẽ có mức giá ưu đãi dành cho những khán giả yêu thích phim muốn thưởng thức lần nữa hoặc những khán giả trước đó không có thời gian ra rạp và muốn xem phim trên màn ảnh rộng.
Một số phim nước ngoài có thời gian sản xuất của các phần cách nhau lâu nên khi chiếu phần mới thì nhà phát hành cũng công chiếu lại phần trước đó để khán giả có nhu cầu thì thưởng thức thêm. Những phim chiếu lại theo dạng "món nguội" này chỉ là hình thức quảng bá là chính, doanh thu không đáng kể, khó có thể kỳ vọng "lội ngược dòng". Thị trường luôn có phim mới, khán giả cũng sẽ chọn những phim mới hơn là thưởng thức một tác phẩm đã từng ra rạp. Dù muốn dù không, đó vẫn là phim cũ khi so sánh cùng hàng loạt tác phẩm trong và ngoài nước lần đầu công chiếu.
"Phim trước khi công chiếu luôn dồn hết chi phí để quảng bá nhằm tạo độ lan tỏa, sức hấp dẫn với khán giả. Nếu nhà sản xuất chọn rút phim thời gian ngắn khi ra rạp thì trước hết là mất trọn chi phí quảng bá. Những thảo luận tích cực về phim thời điểm đó sẽ khó có thể kéo dài đến thời điểm tái chiếu do thị trường luôn có nhiều tác phẩm mới, đa dạng, cập nhật liên tục" - đạo diễn, biên kịch Kay Nguyễn nêu ý kiến.
Nhà sản xuất, đạo diễn Hằng Trịnh cũng đồng quan điểm trên. Cô cho rằng phim đã ra rạp chiếu thì không nên rút lại với kỳ vọng tái chiếu bởi khó có chi phí tạo độ quảng bá lần hai sau khi chi hết sức cho lần quảng bá đầu tiên. Phim nếu không quảng bá đủ để khán giả biết đến, tạo độ lan tỏa thông tin thì khán giả cũng không thể biết đến hoặc tò mò chọn lựa thưởng thức.
Những người trong cuộc cho rằng phim "Siêu lừa gặp siêu lầy" là trường hợp thành công doanh thu hiếm hoi, nhưng một phần cũng do phim chưa chính thức chiếu ở lần đầu mà chỉ dừng lại khi đang quảng bá. Thời điểm tái chiếu, phim không gặp phải cạnh tranh mạnh từ tác phẩm trong và ngoài nước.
Tái chiếu không phải là chiến lược khả quan nên khi phim đã ra rạp, nên để tác phẩm đi hết chặng đường cần thiết" - nhà sản xuất, đạo diễn Hằng Trịnh cho hay.
Bình luận (0)