Ngày 26-5, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, đề xuất được tham gia đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

THACO chính thức có văn bản đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (ảnh minh họa)
Đề xuất này được đưa ra dựa trên kinh nghiệm và năng lực của tập đoàn trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng và vận tải, THACO đề xuất phương án đầu tư cho Dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam. Dự án được thực hiện theo Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư và Nghị quyết số 61/2020/QH14 về phương thức đầu tư và nguồn vốn.
Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn bộ dự án (đã bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư), theo đề xuất của THACO, là khoảng 1.713.548 tỉ đồng, tương đương khoảng 67,34 tỉ USD .
Theo đề xuất, THACO sẽ đầu tư dự án với tổng vốn khoảng 61,35 tỉ USD, trong đó 20% là vốn tự có và huy động hợp pháp trong nước, tương đương 12,27 tỉ USD.
80% còn lại (gần 49,08 tỉ USD) sẽ vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. THACO đề nghị Chính phủ bảo lãnh khoản vay này và hỗ trợ lãi vay trong 30 năm (tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình dự án).
Hạng mục giải phóng mặt bằng là một dự án độc lập do nhà nước thực hiện và không tính vào tổng vốn đầu tư của dự án.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến là 7 năm. Dự án được chia thành 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1: Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động trong vòng 5 năm kể từ khi dự án được phê duyệt, tập trung vào các đoạn TP HCM - Nha Trang và Hà Nội - Hà Tĩnh; Giai đoạn 2: Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động các đoạn còn lại là Nha Trang - Hà Tĩnh trong 2 năm tiếp theo.
Về quy mô và công nghệ, dự án có chiều dài khoảng 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh/thành phố. Tuyến đường sắt được thiết kế đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ.
Công nghệ chạy tàu sử dụng điện khí hóa, bảo đảm tính hiện đại và tiêu chuẩn quốc tế từ các nước G7. THACO cam kết tiếp nhận và chuyển giao công nghệ một cách hợp lý, phát triển công nghiệp đường sắt trong nước bao gồm sản xuất đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu, điều khiển, quản lý, vận hành, và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan.
Dự án được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích, bao gồm rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, chi phí vận hành tàu thấp, và giảm đáng kể tổng vốn đầu tư của dự án trên mỗi km so với các phương thức khác, giúp giảm giá vé cho người dân.
THACO cũng đề xuất các cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước để dự án được triển khai hiệu quả, bao gồm hỗ trợ giải phóng mặt bằng, giao đất thực hiện dự án theo mô hình TOD (Phát triển định hướng giao thông công cộng), chính sách ưu đãi thuế, và các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 172/2024/QH15.
THACO khẳng định năng lực, kinh nghiệm và sự sẵn sàng tham gia đầu tư dự án trọng điểm quốc gia này. Tập đoàn cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, và đóng góp toàn bộ dự án sau này cho Nhà nước khi được yêu cầu vì lợi ích quốc gia.
Trước THACO, ngày 14-5, Công ty VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Theo VinSpeed, Dự án có vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỉ đồng (tương đương 61,35 tỉ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.
Trong đó, VinSpeed chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 ngàn tỉ đồng (khoảng 12,27 tỉ USD).
80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.
Bình luận (0)