Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
Để phù hợp với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), điều kiện nghỉ hưu của người lao động tham gia BHXH tự nguyện đã có sự điều chỉnh. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019 và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam đủ tuổi nghỉ hưu, có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.
Đáng chú ý là ở mục quy định chuyển tiếp có nội dung người tham gia BHXH tự nguyện trước 1-1-2021 và đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Như vậy, người lao động tham gia BHXH tự nguyện trước lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (1-1-2021) được hưởng lương hưu sớm 2-5 năm so với người tham gia BHXH tự nguyện sau đó và lao động đóng BHXH bắt buộc. Khi nghỉ hưu sớm, đối tượng này không bị trừ tỉ lệ 2%/năm tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, thay vì có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm trở lên thì đối tượng này phải đóng BHXH tự nguyện 20 năm trở lên.
Bình luận (0)