Một trận động đất mạnh 7,7 độ (theo thang Moment của Mỹ) đã xảy ra ở miền Trung Myanmar, với tâm chấn gần TP Mandalay - thành phố lớn thứ 2 đất nước. Thời điểm xảy ra động đất là 13 giờ 20 phút (giờ địa phương).
Thiệt hại đáng kể
Chỉ 12 phút sau đó, một trận động đất thứ 2 mạnh 6,4 độ tiếp tục được ghi nhận, với tâm chấn cách TP Sagaing thuộc vùng Sagaing 18 km về phía Nam. Ngoài ra, còn có 2 dư chấn mạnh 4,6 độ được ghi nhận sau đó hơn 1 giờ, tâm chấn gần TP Shwebo cũng thuộc vùng Sagaing.
Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) đã đưa ra báo động đỏ về mức độ thương vong và thiệt hại do trận động đất này. "Có khả năng xảy ra thương vong lớn, thiệt hại nhiều và thảm họa có khả năng lan rộng. Các cảnh báo đỏ trước đây đòi hỏi phải có phản ứng quốc gia hoặc quốc tế" - USGS viết.
Trong khi đó, theo Trung tâm Nghiên cứu khoa học địa chất Đức (GFZ), trận động đất này mạnh 6,9 độ (theo thang địa chấn vĩ mô châu Âu - EMS-98), sâu 10 km. Một trận động đất nông như vậy sẽ gây thiệt hại lớn hơn nhiều so với các trận động đất cùng mức độ.

Một số tòa nhà ở TP Mandalay - Myanmar bị phá hủy do động đất. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở TP Mandalay và TP Naypyidaw, cũng như các vùng Sagaing, Mandalay, Bago, Magway và phía Đông bang Shan. Chưa có thông tin chính thức về thiệt hại.
Tuy nhiên, nhiều hình ảnh cho thấy các tòa nhà bị đổ nghiêng, hư hại được cho là ở Myanmar đã được đăng tải trên mạng xã hội. Trong đó, một hình ảnh cho thấy nhiều nhịp của cầu Sagaing cũ ở TP Sagaing đã sập xuống lòng sông.
Truyền thông địa phương đưa tin ít nhất 10 người đã thiệt mạng khi một đền thờ Hồi giáo đổ sập tại TP Mandalay. Trận động đất cũng đã gây "thiệt hại đáng kể" cho một số tòa nhà ở địa phương này, trong đó có cả pháo đài có tường bao quanh của Cung điện Mandalay.
Một số tuyến đường nối TP Mandalay và TP Yangon bị hư hại hoặc bị chặn, gây gián đoạn giao thông. Các rung chấn được cảm nhận rõ rệt ở thủ đô Nay Pyi Taw và thành phố lớn nhất nước, Yangon.
Còn tại Trung Quốc, ít nhất 188 người bị thương được ghi nhận ở Tây Tạng. Ngoài ra, theo Tân Hoa Xã, cư dân trong các tòa nhà cao tầng ở thủ đô Vientiane - Lào cảm nhận được sự lắc lư mạnh bên trong.
Bangkok là khu vực thảm họa
Rung chấn cũng được ghi nhận khắp Thái Lan. Riêng chính quyền thủ đô Bangkok tuyên bố thành phố này là khu vực thảm họa sau trận động đất. Một số hình ảnh và đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một tòa nhà 30 tầng đang xây dựng ở quận Chatuchak của Bangkok đã đổ sập.
Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai cho biết 3 người thiệt mạng và 81 người bị mắc kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà. Theo tờ Bangkok Post, có thông tin cho biết khoảng 400 người đang làm việc tại công trường xây dựng tòa nhà, trong đó có cả người nước ngoài. Những người bị thương đã được đưa đến các bệnh viện gần đó.

Hiện trường vụ sập tòa nhà 30 tầng đang xây ở quận Chatuchak, thủ đô Bangkok - Thái Lan. Ảnh: THE NATION
Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt cho biết nhiều tòa nhà cao tầng ở thành phố này đã bị hư hại, con số chính xác vẫn đang được thống kê. Theo trang The Guardian, ông Chadchart đã ra lệnh thành lập ngay lập tức trung tâm chỉ huy ứng phó động đất, cũng như chỉ đạo tất cả các quận và bệnh viện đánh giá thiệt hại.
Cảnh sát cũng được triển khai để sơ tán người dân khỏi các tòa nhà không an toàn và điều tiết giao thông. Công chúng được khuyến cáo tránh xa các tòa nhà cao tầng.
Trong khi đó, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết chính phủ đang lập một trung tâm khẩn cấp hoạt động 24/24 và điều phối tất cả các cơ quan nhà nước để ứng phó nhanh chóng với tình trạng khẩn cấp. Phó Thủ tướng Prasert Jantararuangtong cho biết hệ thống viễn thông của đất nước đã bị gián đoạn.
Cộng đồng quốc tế lập tức bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ khắc phục hậu quả thảm họa động đất tại Thái Lan và Myanmar. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gửi lời chia buồn đến người thân các nạn nhân và cho biết Liên minh châu Âu sẵn sàng hỗ trợ. Theo trang The Guardian, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot cũng đưa ra thông điệp tương tự khi đang ở TP Thượng Hải - Trung Quốc hôm 28-3.
Video: Toàn cảnh động đất làm rung chuyển Myanmar
Tình hình người Việt tại Myanmar và Thái Lan
Bộ Ngoại giao cho biết ngay sau khi nhận được thông tin về trận động đất mạnh xảy ra ở miền Trung Myanmar, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan và Myanmar nhanh chóng nắm bắt tình hình của công dân Việt Nam.
Theo thông tin sơ bộ từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan, cho đến nay chưa ghi nhận thông tin người Việt bị ảnh hưởng do trận động đất gây ra.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, các đầu mối cộng đồng người Việt tại các địa phương bị động đất để theo dõi sát tình hình; sẵn sàng triển khai các phương án bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết; khuyến cáo người dân theo dõi sát các thông báo và tuân thủ hướng dẫn của chính quyền sở tại đề phòng dư chấn động đất trong 24 giờ tiếp theo.
Công dân Việt Nam cần giúp đỡ có thể liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan, Tổng đài bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao theo số điện thoại: Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar: +95 966088 8998, email: vnembmyr2012@gmail.com; Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan: +66898966653, email: vnemb.th@mofa.gov.vn; Tổng đài bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao Việt Nam: +84.981.84.84.84.
D.Ngọc
Vùng ảnh hưởng kéo dài
Cùng thời điểm xảy ra động đất ở Myanmar, nhiều người sinh sống, làm việc trên những tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và TP HCM cho biết nhiều đồ vật như quạt, đèn chùm bị rung lắc mạnh. TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học Trái đất (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết trận động đất này rất lớn, nên vùng ảnh hưởng có thể kéo dài hàng ngàn km. Ảnh hưởng phụ thuộc vào cường độ, độ lớn, khoảng cách đối với trận động đất và nền đất ở nơi đó.
Với Hà Nội hoặc TP HCM, thông thường những trận động đất ở xa sẽ tác động đến các công trình nhà cao tầng, cảm nhận được rung lắc. "Tuy nhiên, hệ thống quan trắc của Việt Nam ghi nhận cấp độ rủi ro thiên tai bằng không, tức là ít có khả năng gây thiệt hại đối với Việt Nam" - TS Xuân Anh thông tin thêm.
Cũng theo TS Xuân Anh, trận động đất vừa xảy ra không bất thường, bởi trong lịch sử ở Myanmar đã có những trận động đất rất mạnh. Hiện mới chỉ cảnh báo động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó chứ khó có thể dự báo thời gian xảy ra động đất. Để giảm thiểu những thiệt hại do động đất gây ra, các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra cảnh báo sớm là khu vực này, vùng kia có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó.
V.Duẩn
Bình luận (0)