Trong tình hình mới hiện nay, cần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố "thế trận lòng dân", tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh
Tại Hội thảo Khoa học cấp quốc gia: "Quân đội Nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh" diễn ra mới đây do Bộ Quốc phòng chủ trì, Chủ tịch nước Lương Cường đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng và phát huy "thế trận lòng dân".
Quân đội phải tinh nhuệ về chính trị
Theo Chủ tịch nước, cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần tiếp tục đoàn kết, thống nhất, thực hiện toàn quân một ý chí, quân với dân một ý chí, phấn đấu lập nhiều thành tích xuất sắc, là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giao Trung ương - nhấn mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và cán bộ, đảng viên trong và ngoài quân đội cần quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả một số nội dung cơ bản. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; phát huy vai trò nòng cốt của quân đội nhân dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công tác xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Song song đó, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vững mạnh; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố "thế trận lòng dân", tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh.
Trung tướng Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), cho rằng trước yêu cầu tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Gắn với xây dựng và phát huy "thế trận lòng dân", theo Trung tướng Nguyễn Văn Bạo, tiếp tục xây dựng quân đội tinh nhuệ bao gồm sự tinh nhuệ về chính trị và tinh nhuệ về vũ khí, trang bị, phương pháp, trình độ tác chiến. Trong đó, sự tinh nhuệ về chính trị giữ vai trò quyết định chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, là cơ sở nền tảng để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. "Trong tình hình mới, để quân đội tiến nhanh lên hiện đại đòi hỏi vấn đề hàng đầu phải chú trọng xây dựng quân đội tinh nhuệ về chính trị" - Trung tướng Nguyễn Văn Bạo nhấn mạnh.
Thực tiễn 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của quân đội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khẳng định xây dựng quân đội tinh nhuệ về chính trị là yêu cầu tất yếu khách quan; là vấn đề xuyên suốt trong quá trình xây dựng và trưởng thành của quân đội.
"Ở đâu có dân, ở đó có bộ đội"
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho biết Điện Biên là tỉnh miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới quốc gia giáp Lào và Trung Quốc dài 455,573 km, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Những năm qua, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên không ngừng phát huy vai trò nòng cốt, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tập trung, nỗ lực xây dựng và phát huy mạnh mẽ "thế trận lòng dân" trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.
Đánh giá những kết quả to lớn đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên khẳng định lực lượng vũ trang của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, thường xuyên tổ chức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các tầng lớp nhân dân. Qua đó tạo dựng, củng cố niềm tin vững chắc của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước và huy động được đông đảo các thành phần, tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.
Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), cho rằng trong lịch sử quân sự Việt Nam, việc xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng là sự phát triển sáng tạo kế sách "ngụ binh ư nông" của cha, ông. Đây là một chính sách ưu việt của quân đội ta và trong điều kiện đất nước xây dựng hòa bình, cán bộ, chiến sĩ lại tiếp tục đi về những miền gian khó, đồng cam cộng khổ với đồng bào các dân tộc nơi vùng sâu, vùng xa để xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng; góp phần củng cố "phên dậu" quốc gia, thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Theo Thiếu tướng Trần Đình Thăng, với quan điểm "ở đâu có dân, ở đó có bộ đội", các tổ chức của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) gắn chặt với các tổ chức dân cư của địa phương, tạo nên hình ảnh quân - dân thắm thiết trên mọi lĩnh vực của đời sống bằng các hoạt động thiết thực, triệt để thực hiện "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào). Việc xây dựng, củng cố, phát huy hiệu quả hệ thống các khu kinh tế - quốc phòng ở những địa bàn chiến lược về quân sự, quốc phòng đã tạo nên thế và lực mới trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Theo Trung tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, ở khu vực biên giới là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng huy động sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng, củng cố, duy trì, nâng cao hiệu quả của các mô hình, như: "Tổ tự quản đường biên, mốc giới", "Tổ tự quản an ninh, trật tự thôn, bản"... gắn với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư".
Trung tướng Lê Đức Thái đánh giá công tác đối ngoại biên phòng này ngày càng đổi mới với nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu
Đại tá Đỗ Văn Hinh, Viện Lịch sử quân sự, cho rằng xây dựng "thế trận lòng dân" luôn là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhằm khơi dậy và phát huy mạnh mẽ yếu tố nội sinh, tạo nền tảng, động lực để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là lực lượng trực tiếp, nòng cốt trong xây dựng "thế trận lòng dân" ở địa bàn đóng quân, do đó lực lượng vũ trang địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò, chức năng đội quân công tác, đội quân chiến đấu và đội quân lao động sản xuất, cùng chính quyền và nhân dân địa phương củng cố vững chắc địa bàn, tạo cơ sở thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
____________
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-12
Bình luận (0)