Để thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 theo Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP HCM có 129 xã, phường, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, 49 phường có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp. Do vậy, số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp còn 80 phường. UBND TP HCM đã đề xuất Bộ Nội vụ phương án sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận, giảm 39 phường. Bộ Nội vụ đã thống nhất với phương án sắp xếp này của TP HCM.
Tạo sự thống nhất và đồng thuận
Đối với phương án sắp xếp trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu TP HCM tập trung hoàn thiện, chậm nhất là ngày 30-7 phải trình Trung ương. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý TP HCM việc sắp xếp ĐVHC cần phát huy tối đa tinh thần dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch. TP HCM bảo đảm nội dung chất lượng của đề án, đưa ra được phương án sắp xếp công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, thành phố quyết tâm tìm mọi cách để có phương án sắp xếp tối ưu, nhất là các phường có dân số lớn nhưng không đạt tiêu chí về diện tích. Bên cạnh các đặc thù theo quy định chung, TP HCM còn xem xét đặc thù của mỗi quận như thu ngân sách, hạ tầng kỹ thuật - xã hội - kinh tế. Hơn nữa, khi xem xét sắp xếp một ĐVHC, TP HCM cũng vận dụng Luật Đô thị, tức là một quận có tối thiểu 10 phường, còn lại sắp xếp dựa trên dân số làm sao phân bố cho đồng đều, bảo đảm cơ sở hạ tầng như trường học, y tế, các hoạt động văn hóa - thể thao đều được bố trí đồng đều.
Trong báo cáo trước đây gửi Bộ Nội vụ, UBND TP HCM nhìn nhận việc sắp xếp giảm số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước. Đồng thời mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương...
Tuy nhiên, số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP HCM bắt buộc thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030 rất lớn, nhất là trong giai đoạn 2023-2025. Vì vậy, dự báo công tác sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn này sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, đặc thù các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP HCM có diện tích tự nhiên rất nhỏ, nhưng quy mô dân số rất lớn, vượt nhiều so với quy định và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, nếu nhập 2 hoặc 3 ĐVHC cấp huyện, cấp xã thành 1 ĐVHC mới cũng không đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên theo quy định. Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, quy mô dân số và diện tích tự nhiên sẽ lớn hơn, khối lượng công việc nhiều hơn nhưng chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức không tăng.
Mới đây, Sở Nội vụ TP HCM đã có tờ trình UBND TP HCM về hướng dẫn triển khai thực hiện giao số lượng cán bộ, người hoạt động không chuyên trách tại phường thực hiện chính quyền đô thị và giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, thị trấn. Theo đó, số lượng cán bộ, người hoạt động không chuyên trách tại 80 phường thuộc diện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2030 là 480 người và 1.052 người hoạt động không chuyên trách.
Mạnh dạn phân cấp, ủy quyền
Hơn 3 năm trước, phường An Khánh (TP Thủ Đức) là ĐVHC mới được hình thành sau khi nhập phường Bình Khánh và Bình An (của quận 2 cũ) theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Chủ tịch UBND phường An Khánh, cho biết khi sắp xếp, sáp nhập phường thì cán bộ dôi dư, phải phân công, phân nhiệm lại để tổ chức, kiện toàn bộ máy đi vào hoạt động nền nếp, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Theo ông, so với thời điểm sáp nhập thì 3 năm nay dân số phường tăng khoảng 5.000 người. Theo đó, số lượng hồ sơ hành chính cần giải quyết cũng tăng lên. Tuy vậy, sau 3 năm hình thành, phường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý hồ sơ trực tuyến, lãnh đạo và cán bộ - công chức đều sử dụng chữ ký số nên việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh hơn trước rất nhiều. Cụ thể, hồ sơ liên quan tới địa chính - xây dựng, tư pháp - hộ tịch đều giải quyết 100% đúng hạn, thậm chí hầu như giải quyết trong ngày, trước thời hạn quy định.
Chủ tịch UBND phường An Khánh cho rằng người dân rất lo ngại khi sáp nhập phường vì phải điều chỉnh giấy tờ liên quan như sổ hồng, CCCD… do mang tên phường cũ trước đây. Tuy nhiên, có điểm mới là khi thực hiện theo Nghị quyết 98, TP Thủ Đức đã phân cấp, ủy quyền cho cấp phường hơn 10 nội dung ở nhiều lĩnh vực. Đơn cử như hiện nay nộp hồ sơ điều chỉnh số nhà hoặc xin cấp số nhà mới, người dân chỉ cần nộp hồ sơ trực tuyến hoặc lên gặp cán bộ địa chính để được hướng dẫn. Theo quy định trong 7 ngày sẽ có số nhà nhưng thực tế phường An Khánh làm rất nhanh, chỉ cần 1-2 ngày là người dân có số nhà mới.
Trước việc sắp tới sẽ có nhiều phường trên địa bàn TP HCM sẽ sáp nhập, ông đề xuất thành phố, các quận có cơ chế, chính sách và mạnh dạn phân cấp, ủy quyền cho các phường tương tự ở TP Thủ Đức, để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh chóng, thuận lợi hơn; đồng thời, phường cử cán bộ đi tập huấn, đào tạo nhằm phục vụ người dân tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc chọn trụ sở cũng rất quan trọng. Trụ sở phải rộng, ở vị trí trung tâm để thuận tiện cho người dân đi lại làm thủ tục. Sau sắp xếp phải tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Phường Võ Thị Sáu là phường nhập từ 3 phường 6, 7, 8 của quận 3, thuộc diện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021. Ông Phạm Đăng Nam, Chủ tịch UBND phường Võ Thị Sáu, cho biết sau sáp nhập, nhân sự phường mới đông hơn, cộng với việc người dân đến liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính và chế độ chính sách tăng cao, trong khi trụ sở làm việc nhỏ nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Dù sáp nhập ba phường thành một nhưng vẫn sử dụng trụ sở phường 6 cũ khiến cơ sở vật chất chưa tương xứng, không bảo đảm.
Từ thực tế ở phường mình, ông Nam cho rằng để việc sắp xếp ĐVHC được hiệu quả, ít xáo trộn nhất, trước khi sắp xếp, sáp nhập cần tính toán phương án trụ sở làm việc bảo đảm cho ĐVHC mới hoạt động cũng như phương án xử lý những trụ sở cũ. Bên cạnh đó, trước khi tiến hành sáp nhập cần có phương án sắp xếp nhân sự để sau khi sáp nhập có đội ngũ hoàn chỉnh cho ĐVHC mới, nhân sự dôi dư cũng được xử lý ổn thỏa, bảo đảm tâm tư của cán bộ, công chức.
Công bố thành lập ấp mới ở huyện Cần Giờ
Ngày 13-4, Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP HCM đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của HĐND TP HCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp.
Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo các đơn vị đã tặng hoa chúc mừng những cán bộ không chuyên trách được tín nhiệm cử giữ các chức danh ở ấp mới.
Ông Lê Thế Phi, Chủ tịch UBND xã An Thới Đông, cho biết theo quy định của Trung ương, việc sắp xếp lại các ấp để thống nhất chung với cả nước. Đến nay, xã An Thới Đông đã chấm dứt hoạt động 114 tổ nhân dân, đồng thời sắp xếp 6 ấp thành 9 ấp. Theo ông Phi, sau sắp xếp, hoạt động tại các ấp ít nhiều gặp một số khó khăn như lực lượng mỏng, trụ sở các ấp phải dùng chung, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Đảng ủy - UBND xã sẽ kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ...
Tin-ảnh: P.Anh
Không bắt buộc làm lại giấy tờ
Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), người dân ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các xã, phường, thị trấn khi tiến hành sáp nhập, thành lập ĐVHC mới sẽ không bắt buộc phải làm lại những giấy tờ, trong đó có căn cước công dân.
Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho rằng việc sáp nhập huyện, xã sẽ thay đổi tên gọi ĐVHC nên một số thông tin của người dân sinh sống ở đó sẽ thay đổi. Do vậy, Bộ Công an sẽ chạy lại hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật các thay đổi này. Với một số trường hợp thông tin ở giấy khai sinh như nơi sinh, quê quán, Bộ Công an sẽ phối hợp Bộ Tư pháp để chạy trên toàn hệ thống, có điều chỉnh cụ thể ở từng trường hợp.N.Hưởng
Bình luận (0)