Ngày 16-1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM tổ chức lễ cất nóc bể tiêu bùn của Nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP HCM - giai đoạn 2
Đến dự lễ cất nóc bể tiêu bùn của nhà máy xử lý nước thải được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á này có Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM (chủ đầu tư) và đại diện các sở ngành.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM cho biết bể tiêu bùn của dự án Vệ sinh môi trường TP HCM - giai đoạn 2 có 3 bể (mỗi bể 8.500 m³), là hạng mục quan trọng trong quy trình công nghệ của nhà máy.
Bể tiêu bùn là kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực gồm 3 khối trụ tròn nổi, mái nón. Trong đó, đường kính trong bể 22m, thành bể dày 0,45m, thành bể cao hơn 21m, phần mái vát cao 6,8m.
Dự án Vệ sinh môi trường TP HCM - giai đoạn 2 giúp cải thiện chỉnh trang đô thị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe của người dân thành phố; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và hạ lưu sông Đồng Nai. "Việc hoàn thành hạng mục cất nóc bể tiêu bùn đánh dấu tiến độ quan trọng của dây chuyền xử lý bùn, giúp đẩy nhanh các hạng mục khác, dự kiến hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải vào tháng 9-2025" - Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM thông tin.
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã thăm, động viên và tặng quà Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho công nhân đang thi công trên công trường.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Công nhân thi công ở dự án Vệ sinh môi trường TP HCM - giai đoạn 2
Dự án Vệ sinh môi trường TP HCM - giai đoạn 2
Dự án Vệ sinh môi trường TP HCM - giai đoạn 2 với mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 (cũ, giờ là TP Thủ Đức). Dự án gồm cống bao đường kính 3,2 m dài 7,85 km và nhà máy xử lý nước thải 480.000m3/ngày; xây dựng hệ thống cấp 2,3 khu vực Thảo Điền, Nam Thảo Điền, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây.
Công suất xử lý nước thải của dự án đạt 480.000 m3/ngày, với lưu lượng tối đa 34.000 m³/giờ. Nhà máy áp dụng công nghệ xử lý sinh học MBBR, sử dụng giá thể di động cho vi sinh vật bám và phát triển, giúp loại bỏ chất hữu cơ trong nước thải. Đây là công nghệ hiện đại nhất và là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Đông Nam Á.
Công trình gồm các hạng mục như hệ thống bể lọc, bể xử lý bùn thải, trạm bơm, cống thoát, bờ kè, nhà điều hành... được thi công trên khu vực có diện tích khoảng 38 ha.
Dự án có tổng mức đầu tư 11.133 tỉ đồng, tương đương 524 triệu USD. Trong đó, vốn ODA 450 triệu USD, vốn đối ứng ngân sách thành phố là 1.572 tỉ đồng.
Hiện nay tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của thành phố là 644.000 m³/ ngày, chiếm 40% tổng lượng nước thải hằng ngày. Việc hoàn thành nhà máy sẽ nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên hơn 1,1 triệu m³/ngày, tương đương 70% trong tổng số 1,6 triệu m³ thải ra hằng ngày.
Bình luận (0)