xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thành phố mới, tầm nhìn mới

LÊ VĨNH - PHAN ANH

Công tác chuẩn bị nhân sự cho bộ máy mới sau sắp xếp phải thực hiện chặt chẽ, trách nhiệm để có "đội hình" vừa bảo đảm hợp lý, đúng chất, công bằng

Ngày 15-4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 39 (hội nghị chuyên đề). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.

TP HCM với phương án còn 102 phường, xã

Hội nghị đã thông qua dự thảo phương án sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu thành lập 102 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã mới, giảm 171 ĐVHC cấp xã (tỉ lệ 62,64%). Trong đó, 102 phường - xã dự kiến có 78 phường và 24 xã. Phương án sắp xếp về 102 ĐVHC cấp xã mới bảo đảm giảm đúng tỉ lệ 60% - 70% số lượng ĐVHC cấp xã cũ theo Nghị quyết 60.

Khi thực hiện phương án này sẽ kết hợp điều chỉnh ranh địa giới tại đơn vị đang có ranh chồng lấn. Số lượng biên chế cần bố trí là 6.120 người (tỉ lệ 52,88%) (mỗi phường, xã là 60 biên chế). Dự kiến số lượng biên chế dôi dư là 5.453 người (tỉ lệ 47,12%); số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư là 5.562 người. Tổng số người dôi dư do sắp xếp là 11.015 người. Bên cạnh đó, điều chỉnh tên gọi các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp. Quận 1 có 1 ĐVHC lấy tên là Sài Gòn; quận 5 có 1 ĐVHC lấy tên là Chợ Lớn; quận 11 đã đổi tên phường Cây Mai thành Minh Phụng; quận 3, 7, 10, Tân Bình và huyện Củ Chi xem xét đổi tên các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp.

Hội nghị cũng thông qua dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất ĐVHC cấp tỉnh. Hợp nhất 3 ĐVHC cấp tỉnh gồm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, TP HCM trên cơ sở thực hiện hai nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; bảo đảm sau sắp xếp TP HCM là thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy tiềm năng và lợi thế của 3 tỉnh, thành phố về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và Vùng Đông Nam Bộ trong thời gian sắp tới. TP HCM mới sau sắp xếp, hợp nhất có diện tích 6.772,65 km2 (đạt 135,43% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 13.706.632 người (đạt 979,04% so với tiêu chuẩn), 168 ĐVHC trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 của 3 tỉnh, thành phố là 677.993 tỉ đồng. Số lượng cán bộ, công chức hiện có 22.878 người; viên chức có 132.110 người.

Về phương án sắp xếp, hợp nhất, đại biểu HĐND của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP HCM được hợp thành HĐND của ĐVHC mới là TP HCM và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. UBND thực hiện theo Nghị quyết 60/2025, gồm 15 đơn vị cấp sở (Văn phòng UBND, Sở Nội vụ, Thanh tra, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Dân tộc - Tôn giáo, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở An toàn thực phẩm) và tương đương.

Khối Đảng, sáp nhập Đảng bộ các cơ quan Đảng, Đảng bộ UBND, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Quân sự, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng của 3 tỉnh, thành phố. Đảng bộ ĐHQG TP HCM đề xuất giữ nguyên cho đến khi có chỉ đạo của Trung ương. Đảng bộ Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ sắp xếp, chuyển về trực thuộc Đảng bộ Bộ Xây dựng (theo đề nghị của Bộ Xây dựng).

Dự thảo Đề án đề xuất, kiến nghị Trung ương xem xét, chấp thuận tiếp tục thực hiện Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển áp dụng cho TP HCM sau khi sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2030.

Thành phố mới, tầm nhìn mới- Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị ngày 15-4. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trách nhiệm để chọn "đội hình" hợp lý

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo công tác chuẩn bị nhân sự cho bộ máy mới sau sắp xếp phải thực hiện chặt chẽ, trách nhiệm để có "đội hình" vừa bảo đảm hợp lý, đúng chất, công bằng. Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết thành phố sẽ bảo đảm các chính sách và có trách nhiệm với những cán bộ bị ảnh hưởng bởi sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Đối với công tác đặt tên cho các phường, xã mới được thành lập sau khi bỏ cấp huyện, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh đây không phải là việc đơn giản, phải tập trung hết trách nhiệm, tâm huyết, tình cảm và cùng bàn với nhân dân. "Điều quan trọng nhất là lấy ý kiến đúng quy trình, đúng thành phần. Tên được lựa chọn phải gắn với vùng đất, xóm làng, ăn sâu vào tiềm thức, tâm tư, tình cảm của người dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP HCM" - ông Nguyễn Văn Nên chỉ đạo. Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, việc sắp xếp tổ chức hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là một trong những vấn đề mới, nhạy cảm, chạm tới nhiều người. Do đó, đòi hỏi mỗi cán bộ phải tập trung với một tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy phải chuẩn bị sẵn sàng tổ chức Đại hội Đảng cấp xã và cấp thành phố. "Nhiệm vụ trước mắt là tập trung nhân lực, vật lực để phối hợp tổ chức thành công kỷ niệm 50 năm ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Kỷ niệm lần này có ý nghĩa lớn, toàn diện. Thành phố phải truyền đi thông điệp, tình cảm, tín hiệu để toàn dân có một niềm vui chung, còn nỗi buồn riêng thì gác lại" - Bí thư Thành ủy TP HCM nói. Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là tiếp tục triển khai nhanh, kịp thời những chỉ đạo của Trung ương; góp phần cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tập trung huy động, bảo đảm các nguồn lực cho những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra theo 3 kịch bản. Song song đó, quyết liệt giải quyết những vụ việc tồn đọng; tập trung giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng; tháo gỡ để tiếp sức cho doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Công điện số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời triển khai quyết liệt chương trình hành động của Thành ủy TP HCM để thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã công bố và trao quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ định ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI. 

Khoa học - công nghệ phải đi đầu

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đình Thắng cho rằng phải bảo đảm thông suốt toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc giữa TP HCM với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Theo ông Lâm Đình Thắng, Sở Khoa học và Công nghệ của 3 tỉnh, thành sẽ ngồi bàn với nhau, thống nhất có giải pháp kỹ thuật để kết nối các hệ thống này. Trong đó, ưu tiên trước mắt là 3 hệ thống: hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống văn phòng điện tử và cổng dịch vụ công trực tuyến. Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận trong bối cảnh sáp nhập 3 tỉnh, thành, dân số tăng lên, đòi hỏi khoa học và công nghệ phải đi trước, đi đầu để các hoạt động thông suốt. Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng không gian mở rộng, bộ máy tinh gọn thì hành trang cho cán bộ, công chức là khoa học - công nghệ và phải có phương tiện để người dân tương tác, làm được thủ tục tại nhà.

Sẽ không còn thành phố thuộc tỉnh, thành phố

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14-4-2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề án). Theo đề án, phương án tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp như sau: Cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp xã gồm xã, phường (trong đất liền) và đặc khu (ở hải đảo); bỏ ĐVHC cấp huyện và thị trấn.

Chính phủ nêu rõ định hướng sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã hiện nay theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện), hình thành ĐVHC cấp xã mới gồm: xã, phường và đặc khu (không còn loại hình ĐVHC thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, quận, huyện, thị trấn). Cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh cơ bản giữ nguyên như chính quyền địa phương cấp tỉnh hiện nay. Chính quyền địa phương cấp tỉnh gồm có HĐND và UBND.

Đề án nêu định hướng chuyển các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành đơn vị cấp xã có tên gọi là đặc khu. Theo đó, sẽ hình thành 11 đặc khu thuộc tỉnh từ 1 huyện đảo. 11 huyện đảo, gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo.

Riêng đối với TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), cấp có thẩm quyền đã đồng ý chủ trương tách xã Thổ Châu thuộc TP Phú Quốc để thành lập 1 huyện riêng, nghiên cứu thành lập 2 đặc khu: Phú Quốc và Thổ Châu.

M.Chiến


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo