Sáng 13-1, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam - cho biết hôm qua (12-1), Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp nghe UBND huyện báo cáo sơ bộ về kết quả kiểm tra ban đầu liên quan đến vụ việc gà giống của dự án được cấp cho người nhà Chủ tịch UBND xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức) và 2 trưởng thôn tại xã này.
Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao cho UBND huyện thanh tra toàn diện toàn bộ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 24 HĐND tỉnh tại xã Bình Lâm.
"Chúng tôi yêu cầu thanh tra vào cuộc để làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân ra sao. Quan điểm của Huyện ủy Hiệp Đức là xử lý kiên quyết, sai tới đâu, xử lý tới đó" – ông Tỉnh nói.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo phản ánh của người dân, năm 2023, xã Bình Lâm được Nhà nước hỗ trợ 3.000 con gà theo Nghị quyết số 24 ngày 14-10-2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam - về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2022-2025.
Điều đáng nói, trong số 10 hộ được chọn cấp gà giống (300 con gà/hộ) thì có 2 trưởng thôn và nhà mẹ ruột của ông Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch UBND xã Bình Lâm.
Theo ông Nguyễn Tấn Hòa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Lâm - sau khi có dư luận về việc gà giống dự án được đưa về cho người nhà của ông Nguyễn Hữu Sơn và 2 trưởng thôn ở xã Bình Lâm, ông Sơn đề xuất và Thường vụ Đảng ủy xã đã thống nhất giao cho Ủy ban MTTQ xã giám sát, xác minh sự việc.
Qua xác minh ban đầu thì đối tượng được cấp gà giống đảm bảo các tiêu chí. Cụ thể, trong 10 hộ được cấp gà giống có 5 hộ thuộc diện gia đình có công với cách mạng, người khuyết tật; 5 hộ thuộc diện lao động tự do, không có việc làm ổn định.
Trong 2 trưởng thôn có 1 người có con khuyết tật, bị tâm thần; một trưởng thôn có công với cách mạng, là cựu chiến binh. Người này đăng ký nuôi gà trước khi được bầu làm thôn trưởng.
Mẹ ruột của Chủ tịch UBND xã Bình Lâm không phải là người được nhận nuôi gà mà chị dâu của chủ tịch nuôi ở nhà của mẹ chồng. Chị dâu của ông Nguyễn Hữu Sơn có gia cảnh khó khăn, mẹ chồng là người có công với cách mạng nên đối tượng là đúng chứ không có gì sai.
"Về quy trình, cơ bản đảm bảo tuy nhiên có một số "lũng đoạn" là không có công bố cho các thôn" – ông Hòa nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Sơn cho biết trước đây ông có làm trại nấm ở nhà mẹ ruột, nay không làm nữa nên bỏ không. Thấy vậy, chị dâu của ông thuê người sửa lại thành trại gà sau đó đăng ký xin nhận gà giống về nuôi và được chọn.
Theo ông Sơn, thời điểm xét chọn hộ nuôi gà, ông đi học nên không biết chị dâu là một trong những người được cấp gà giống. Sau đó, ông có can ngăn chị dâu vì sợ sau này người dân xầm xì, ảnh hưởng đến uy tín nhưng chị dâu nói trước đây gia đình cũng đã hiến hơn 1.000 m2 đất để làm đường, gia đình thuộc trường hợp có công với cách mạng, do ảnh hưởng dịch bệnh không có việc làm nên xin nhận gà giống nuôi để kiếm thêm thu nhập.
"Trong việc này tôi khẳng định không có chuyện lợi dụng chức vụ để đi làm cái chuyện tác động cấp gà giống cho người nhà chi cả. Bởi vì số gà Nhà nước hỗ trợ không đáng bao nhiêu, chỉ 10 triệu đồng/hộ. Trong khi đó, chị dâu tôi bỏ tiền sửa chuồng trại hết 4-5 triệu, rồi đối ứng thêm 3 triệu nữa, cũng gần bằng tiền của Nhà nước hỗ trợ rồi" – ông Sơn phân trần.
Bình luận (0)