Lý giải cho sự chênh lệch trước và sau kiểm toán, OCB cho biết đã chủ động trích lập thêm chi phí dự phòng để tăng cường bộ đệm quỹ dự phòng rủi ro tín dụng.
Những năm gần đây, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, suy giảm cầu nhập khẩu từ các thị trường quốc tế cũng như căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, người lao động mất thu nhập, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Với mong muốn đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, OCB đã chủ động kiên trì thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN như giảm lãi suất cho vay hiện hữu, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và thường xuyên đưa ra các chương trình ưu đãi, gói tín dụng hàng ngàn tỉ đồng lãi suất thấp. Bên cạnh đó, OCB cũng liên tục triển khai nhiều biện pháp quản trị rủi ro tiên tiến và xử lý nợ xấu đồng bộ, xuyên suốt để đảm bảo chất lượng tài sản tín dụng, bao gồm cả giải pháp cho phép khách hàng sử dụng tài sản đảm bảo để bàn giao cho ngân hàng nhằm thay thế nghĩa vụ trả nợ, nhằm rút ngắn thời gian xử lý và giảm gánh nặng về lãi và các khoản phí liên quan cho khách hàng so với việc thi hành các biện pháp xử lý nợ thông qua tố tụng thông thường. Ngoài ra, OCB vẫn hỗ trợ các điều khoản để khách hàng được ưu tiên mua lại tài sản của mình tại thời điểm phù hợp khi có nhu cầu và các khó khăn về thu nhập đã được cải thiện.
OCB vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023
Theo OCB, mặc dù phương thức nhận tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ được pháp luật cho phép nhưng việc triển khai lại đang thiếu thống nhất và đồng bộ giữa địa phương và các cơ quan hữu quan do vướng mắc tại khâu đăng ký cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Theo đó, việc hạch toán các khoản vay liên quan cũng còn nhiều quan điểm trái chiều từ nhiều phía cho dù nghĩa vụ nợ của khách hàng được xác định là đã chấm dứt khi hoàn tất bàn giao tài sản đảm bảo. Trên cơ sở đó, cùng với nguyên tắc cẩn trọng trong điều hành, OCB đã chủ động trích lập tăng thêm chi phí dự phòng cho các khoản nợ đã bàn giao tài sản đảm bảo này.
Lãnh đạo OCB cũng cho biết thêm, phần điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hoàn tất ghi nhận trong quý I này, đồng thời các khoản nợ khách hàng đã bàn giao tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ, tính đến nay, ngân hàng đã xử lý giảm hơn 50%, nên chi phí dự phòng đã trích bổ sung cho những tài sản này vào cuối 2023 cũng sẽ được hoàn lại tương ứng. Qua đó, dự kiến kết quả kinh doanh quý I/2024 chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể.
Có thể thấy trong bối cảnh nợ xấu tăng cao như hiện nay, OCB đã chủ động tăng cường trích lập dự phòng và tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Dù rằng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng nhưng điều này cũng sẽ giúp OCB quản trị rủi ro hiệu quả, có nền tảng vững chắc để hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Song song đó, ngân hàng luôn tuân thủ chặt chẽ các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, kiểm soát tốt các rủi ro xuyên suốt trong năm 2023.
OCB cũng vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỉ đồng, trong đó dự kiến phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 20%. Nếu thành công, vốn điều lệ của OCB trong năm 2024 sẽ tăng lên 24.717 tỉ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng trình đại hội kế hoạch kinh doanh năm nay, với mục tiêu tổng tài sản tăng 19%, lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỉ đồng, tăng 66% so với năm 2023. Phiên họp sẽ được tổ chức vào sáng 15-4 tại TP HCM.
Bình luận (0)