Hiện nay, trên nhiều tuyến phố xuất hiện nhiều biển quảng cáo lấn vỉa hè, che khuất tầm nhìn, gắn đèn chớp nháy. Nhiều không gian trống trong phạm vi hành lang an toàn giao thông được tận dụng lắp đặt quảng cáo dịch vụ, thương mại. Thêm nữa là nạn đào đường, trong đó có tình trạng nhiều con đường mới làm xong cùng với vỉa hè bị đào lên nhưng tái lập sơ sài, không bảo đảm chất lượng dẫn đến nhanh xuống cấp, biến dạng cục bộ mặt đường và vỉa hè.
Đó là do chưa có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan từ khâu lập kế hoạch, thiết kế, cấp phép, thi công.
Nhiều bất cập
Theo phân cấp hiện nay, lòng đường do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) quản lý; vỉa hè do quận, huyện quản lý; Sở Công Thương quản lý điện; Sở Thông tin - Truyền thông quản lý viễn thông; Sở Xây dựng quản lý chiếu sáng và cấp nước; Sở Văn hóa và Thể thao quản lý quảng cáo.
Vì vậy, trên cùng tuyến phố có nhiều cơ quan quản lý, đơn vị chủ sở hữu và thi công lắp đặt công trình kỹ thuật. Lắm khi mỗi đơn vị làm một kiểu, khác thời điểm, hết đơn vị này đến đơn vị khác. Chưa nói đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tái lập mặt đường, vỉa hè không bảo đảm.
Trong khi bộ phận giám sát tái lập mỗi nơi lại khác nhau, nhiều khi thiếu kinh nghiệm chuyên ngành, không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng kịp phát hiện để bắt buộc khắc phục.
Thực tế có nhiều tuyến phố được đầu tư hào kỹ thuật, phần lớn sử dụng ngân sách để các đơn vị chủ sở hữu cùng khai thác chung và lắp đặt ngầm hóa công trình kỹ thuật cung cấp dịch vụ điện, viễn thông, cấp nước. Ngoài chi phí xây dựng ban đầu, hằng năm ngân sách phải chi ra khoản tiền lớn để bảo trì, duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, viễn thông, cấp nước, quảng cáo cũng là hình thức kinh doanh được hưởng lợi mà không đóng phí sẽ chưa công bằng trong cạnh tranh, khó thu hút xã hội hóa đầu tư hạ tầng đường bộ, hào kỹ thuật.
Lâu nay nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ còn quan niệm hạ tầng giao thông sử dụng ngân sách thì được khai thác miễn phí, thậm chí lạm dụng lắp đặt cho thuê dịch vụ quảng cáo tràn lan gây mất mỹ quan đô thị.
Tại điều 42 Nghị định 10/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định việc cho thuê quyền khai thác hạ tầng đường bộ được áp dụng gồm bến xe, bãi đỗ xe, nhà hạt quản lý đường bộ, trạm dừng nghỉ; các công trình hạ tầng kỹ thuật là đường dây, cáp (điện lực, chiếu sáng, thông tin liên lạc), đường ống (cấp nước, thoát nước, cấp nhiên liệu) và các công trình khác lắp đặt vào đường bộ và hành lang an toàn đường bộ theo quy định pháp luật.
Vì vậy, đã có chủ trương, cung cấp dịch vụ được hưởng lợi thì phải trả phí sử dụng hào kỹ thuật, kể cả khai thác kinh tế trong phạm vi hạ tầng giao thông.
Xã hội hóa đầu tư
TP HCM triển khai thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển chỉ trong 20 tháng đã thu về cho ngân sách 3.800 tỉ đồng và chuẩn bị áp dụng thu phí vỉa hè, lòng đường đối với các trường hợp sử dụng để buôn bán, giữ xe.
Nếu có cơ chế quản lý phù hợp, khai thác và thu phí kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có hào kỹ thuật, đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, viễn thông, cấp nước, quảng cáo thì vừa hài hòa lợi ích vừa góp phần kiểm soát mỹ quan đô thị, có thêm nguồn kinh phí phục vụ tốt hơn cho công tác bảo trì, duy tu hạ tầng giao thông và khuyến khích thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển, thuận lợi hơn nữa trong triển khai khi được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98.
Chính quyền có thể giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối nghiên cứu phối hợp triển khai, hướng dẫn hình thức thực hiện cũng như cách tính toán chi phí, ban hành mức giá áp dụng cho thuê sử dụng lắp đặt dịch vụ cung cấp điện, viễn thông, cấp nước, quảng cáo; công khai các khoản thu được, mục đích sử dụng và phục vụ tái đầu tư phát triển.
Đồng thời xã hội hóa đầu tư hào kỹ thuật, tổ chức thẩm định phê duyệt theo quy định làm cơ sở triển khai thực hiện theo kế hoạch hằng năm. Cùng với đó là xây dựng các tiêu chí và hình thức quản lý, sử dụng, khai thác, thời gian thu hồi vốn với từng dự án cụ thể cùng những thỏa thuận khác được đưa vào hồ sơ để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Gắn trách nhiệm đơn vị quản lý, khai thác và sử dụng hạ tầng giao thông, xử lý nghiêm vi phạm. Quy hoạch sắp xếp lại các khu vực được phép quảng cáo, màu sắc phù hợp và dễ nhìn, kích thước biển quảng cáo không che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông...
Trong thị trường có cạnh tranh, đơn vị nào cung cấp dịch vụ tự ý tăng giá sẽ mất dần khách hàng. Hơn nữa, cơ quan chức năng còn có sự quản lý, kiểm soát giá đối với các dịch vụ nên không phải lo họ tăng giá để người dân phải gánh chịu.
Bình luận (0)