Em Hồng Linh, học sinh lớp 9, Trường THCS Tân Xuân (huyện Hóc Môn, TP HCM), cho biết đang cảm thấy lo lắng giữa việc có nên đi du Xuân cùng gia đình hay ở nhà ôn bài.
Linh chia sẻ năm nay sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nếu không tập trung ôn thi sẽ không đậu vào trường THPT mà mình mong muốn. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều bạn trong lớp.
Em Minh Tuấn, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TP HCM) cũng gặp phải lo lắng tương tự. "Ngữ văn là môn em lo sợ nhất. Em cảm thấy mình không có năng khiếu viết văn, em đọc rất nhiều sách tham khảo nhưng cũng không đạt được điểm cao" – Tuấn tâm sự.
Thầy Huỳnh Tấn Phát, giáo viên môn Ngữ văn tại Trung tâm luyện thi NQH (TP HCM), cho biết sau kì nghỉ dài, học sinh lớp 9 và 12 phải quay trở lại đường đua cho hai kì thi quan trọng. Việc học sinh cân nhắc giữa đi chơi Tết và ở nhà ôn bài cho thấy các em đã xác định mục tiêu phấn đấu cho mình.
Là giáo viên thuộc thế hệ GenZ, thầy Phát cho rằng những ngày đầu năm mới, học sinh nên dành trọn thời gian cho gia đình. Tận hưởng những chuyến đi chơi chính là cách "sạc pin" hiệu quả nhất.
Ngày Tết không chỉ gói gọn trong việc chúc Tết và lì xì, đây cũng là dịp để học sinh tham quan, vui chơi nhiều nơi, gắn bó tình cảm với gia đình. Thông qua những chuyến đi, con cái có thể chia sẻ việc học với cha mẹ, để cha mẹ biết được tâm tư tình cảm của con.
Đối với môn Ngữ văn, Thầy Phát nhận định văn chương phải bắt nguồn từ cảm xúc. Học văn không gói gọn trong căn phòng nhỏ với đầy những quyển sách ôn thi.
Chia sẻ bí quyết vui xuân nhưng không "bay" kiến thức, thầy Phát cho rằng học sinh nên dành thời gian từ 3 - 5 ngày xem lại các bài giảng cũ. "Nếu các em có sự chuẩn bị kỹ trước khi quay trở lại trường, chắc chắn các em không bỡ ngỡ khi mình tiếp nhận học bài mới. Thành công trong chuẩn bị là sự chuẩn bị cho thành công" – thầy Phát nói.
Thầy giáo GenZ và học trò của mình
Thầy Phát cho rằng học sinh ngày nay rất giỏi và tài năng, thích thể hiện cá tính, quan điểm, suy nghĩ cá nhân của mình. Nếu trước đây, giáo viên là người truyền đạt kiến thức, học sinh tiếp nhận một cách thụ động thì hiện nay, việc dạy và học đã thay đổi rất nhiều
Giáo viên nên tích cực tổ chức nhiều hoạt động như thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề,… để học sinh phát triển năng lực trong môn Ngữ văn, đồng thời phát huy các năng lực, kỹ năng khác của học sinh.
Bình luận (0)