Công ty CP Đầu Tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) vừa công bố định hướng kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 125.000 tỉ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ).
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.400 tỉ đồng, ước tính gấp 14 lần so với lãi ròng năm 2023 khi chỉ đạt mức 168 tỉ đồng (đây là mức lãi ròng thấp nhất của MWG kể từ thời điểm niêm yết năm 2014). Trong khi đó, MWG dự báo nhu cầu mua sắm tiêu dùng năm 2024 sẽ đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu.
Năm nay, MWG cho biết sẽ tái cấu trúc toàn diện "Giảm lượng - tăng chất". Cụ thể, doanh nghiệp (DN) sẽ giảm số lượng điểm bán nếu không mang lại hiệu quả, đa dạng sản phẩm, triển khai các chương trình khuyến mãi, tinh gọn nhân sự, rà soát lại toàn bộ hoạt động...
Cụ thể, đối với chuỗi cửa hàng Thế giới Di động (bao gồm Topzone) và Điện máy xanh, MWG sẽ nỗ lực duy trì doanh thu bằng cách tối ưu mạng lưới cửa hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng thị phần.
Đối với chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh (BHX), MWG sẽ mở mới cửa hàng nhưng có chọn lọc để đảm bảo hiệu quả, đảm bảo sản lượng ổn định đối với ngành thực phẩm tươi sống, tối ưu chi phí đặc biệt là chi phí kho vận.
Liên quan đến BHX, hãng tin Reuters mới đây cho biết CDH Investments của Trung Quốc đang đàm phán mua lại cổ phần thiểu số tại BHX từ MWG. Thỏa thuận này khiến cho BHX được định giá lên đến 1,7 tỉ USD. Để xác nhận thương vụ trên, Reuters chia sẻ rằng đã liên hệ nhưng cả 2 công ty từ chối trả lời. Vào nhiều năm trước, CDH từng là đơn vị rót vốn vào Thế Giới Di Động.
Theo báo cáo kinh doanh năm 2023 của MWG, BHX ghi nhận doanh thu ở mức 31.600 tỉ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Quay về định hướng kinh doanh năm 2024, MWG cho hay chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm mẹ và bé Avakids sẽ không được chú trọng mở điểm bán. Các cửa hàng sẽ chỉ là điểm trưng bày và giới thiệu hàng hóa để tạo niềm tin khách hàng. Qua đó tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh bán hàng qua kênh online.
Tuy nhiên, chuỗi nhà thuốc An Khang có thể sẽ được mở rộng nếu MWG vận hành ổn định, có hiệu quả và xây dựng được mô hình kinh doanh thành công. Tại Indonesia, MWG đặt mục tiêu chuỗi bán lẻ sản phẩm công nghệ EraBlue sẽ trở thành nhà bán lẻ điện máy số 1 tại đất nước hơn 270 triệu dân này.
Theo báo cáo tài chính mới đây, tổng tài sản MWG đang nắm giữ đến 31-12-2023 hơn 60.000 tỉ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, giá trị hàng tồn kho là 22.000 tỉ đồng, giảm 15% so với đầu năm nhưng vẫn chiếm hơn 1/3 tổng tài sản.
Ở phần nợ phải trả tăng 13% so với đầu năm, ở mức 36.748 tỉ đồng. Trong đó, tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn là 25.000 tỉ đồng.
"Tính đến hết tháng 12-2023, MWG đang sở hữu 1.078 cửa hàng Thế giới di động (bao gồm Topzone), 2.190 cửa hàng Điện Máy Xanh (bao gồm Điện máy Xanh supermini), 1.698 cửa hàng Bách hóa xanh, 527 nhà thuốc An Khang, 64 cửa hàng Avakids và 38 cửa hàng Erablue (liên doanh tại Indonesia)" - báo cáo nêu.
Trên thị trường chứng khoán, giữa tháng 9-2023 cổ phiếu MWG đạt mức 57.500 đồng/cổ phiếu tuy nhiên chưa đầy 2 tháng sau, cổ phiếu này lao dốc và xuống chỉ còn 35.100 đồng/cổ phiếu vào tháng 11-2023.
Kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu của MWG đã tăng trở lại, lên mức 46.200 đồng (tương đương 22,5%).
Bình luận (0)