icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chống chất độc da cam bằng âm nhạc

Trúc Lâm

Hội Âm nhạc Orange DiHoxyn đang tổ chức “Những ngày Việt Nam”, quy tụ các nghệ sĩ nhiều nơi trên thế giới đến đảo Réunion thuộc Pháp từ ngày 22 đến 31-10 với mong muốn dùng âm nhạc vận động sự chia sẻ của cộng đồng thế giới với nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam

Chuyên gia kinh tế kiêm nhạc sĩ Hồ Hải Quang muốn đánh động dư luận về hậu quả của chất độc da cam tại Việt Nam mà nhiều người có thể đã quên mất. Theo ông, chúng ta đang đứng trước vấn đề pháp lý về tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại mà mọi người phải đấu tranh để một ngày nào đó người Mỹ sẽ nhận thức và sửa chữa những sai trái do họ gây ra.

Ba cách tiếp cận

Ban tổ chức “Những ngày Việt Nam” dự kiến một loạt hội thảo và biểu diễn văn nghệ do ông Quang và ông Claude Vĩnh San (con trai của vua Duy Tân) đồng chủ trì lần này, sẽ trở thành ngày hội quy mô quốc tế hằng năm nhằm tạo dư luận quần chúng giống như sức ép quốc tế đòi Mỹ ngưng ném bom trong thời chiến tranh ở Việt Nam. Mục tiêu mà Orange DiHoxyn nhắm tới không chỉ là quyên tiền giúp nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, điều mà ông Quang cho là chưa đủ. Cuộc chiến đấu lần này là nhằm đòi hỏi người Mỹ phải thức tỉnh, sửa chữa sai lầm và bù đắp bằng nhiều triệu USD. Theo ông, âm nhạc giống như đòn bẩy góp phần đạt được mục tiêu nói trên.

Orange DiHoxyn

Orange DiHoxyn là hiệp hội phi chính phủ hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc được ông Hồ Hải Quang thành lập năm 2008 nhằm thu hút những ai quan tâm tới hậu quả của chất độc da cam và giúp đỡ nạn nhân tại Việt Nam, không phân biệt giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị hay triết học. Tuy mới thành lập nhưng hội đã có hơn 30 thành viên tham gia, trong đó có những nhạc sĩ chuyên nghiệp như Patrick Sida, Meddy Gerville... Ban lãnh đạo Orange DiHoxyn do ông Hồ Hải Quang làm chủ tịch và Claude Vĩnh San làm phó chủ tịch. Ban bảo trợ gồm 5 thành viên do giáo sư Trần Văn Khê làm chủ tịch.

Trên hết, Orange DiHoxyn xem vấn đề nhân đạo như lối vào chính giúp thấu hiểu nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam, cảm hóa bằng tình người nói chung, không phân biệt chính kiến, tôn giáo và dân tộc. Theo ông Quang, vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam là vụ tai tiếng lớn có sức lay động sâu xa trong lòng người trên toàn thế giới. Cách tiếp cận thứ nhì về mặt chính trị là nhằm đoàn kết để hình thành tiếng nói chính trị và pháp lý căn cứ trên nền tảng của vấn đề nhân đạo nói trên. Cuối cùng, về mặt văn nghệ, ông Quang chọn âm nhạc vì đó là cách bày tỏ sở trường của ông với đông đảo quần chúng và mong rằng các loại hình nghệ thuật khác, chẳng hạn như hội họa, điện ảnh... cùng phối hợp trong cuộc đấu tranh chung này. Tập phim tài liệu Cuộc chiến chưa kết thúc dài 22 phút 30 giây do đạo diễn Canada Bruno Bouliane thực hiện tại Việt Nam trong năm 2007 cũng đã được trình chiếu tại Réunion vào tối 22, 23 và 24-10. Cùng với nhiều hoạt động khác, hội thảo và hòa nhạc truyền thống Trung Quốc và Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 28 và 30 -10 với sự hiện diện của vợ chồng nhạc sĩ -ca sĩ Trần Quang Hải và Bạch Yến.

Cây guitar là vũ khí

Nhật báo Le Quotidien de la Réunion hồi đầu tháng 10 có bài viết về chân dung của Hồ Hải Quang với tựa đề “Anh hùng guitar chống chất độc da cam”, dẫn lời của đạo diễn Pháp nổi tiếng Francois Truffaut ca ngợi ông như là một trong những người đầu tiên du nhập nhạc rock vào nước Pháp. Ông Quang đã cùng với Stevie Wonder, Pierre Perret, Franc Alamo trình diễn chung trong đêm ca nhạc chống chiến tranh Việt Nam tại nhà hát L’Olympia ở Paris hồi năm 1963. Cái tên Hồ Hải Quang cũng có lần xuất hiện chung trong chương trình biểu diễn của ban nhạc The Beatles.

Sinh năm 1944 tại vùng sông nước Nam Bộ nhưng lưu lạc sang thành phố Argentan - Tây Bắc Pháp. Lúc ấy, ông mới 8 tuổi, trong khi cha mẹ còn ở Việt Nam. Một người anh của ông sang Đức và người anh khác tên Sonny đến thành phố Samur miền Trung Tây Pháp. Sau đó, vốn có năng khiếu âm nhạc, Hồ Hải Quang cùng Sonny đàn và hát trong các quán rượu tại Samur – nơi có căn cứ lính Mỹ đóng tại Pháp. Vào năm 1957, một người lính Mỹ đã tặng cho anh em ông một số đĩa nhạc rock và ông bắt đầu chơi loại nhạc này từ đó. Năm 1959, anh em ông đã sáng tác phần âm nhạc trong bộ phim Giả biệt Philippines của đạo diễn Jaques Rozier – bộ phim được trình chiếu tại Liên hoan Phim Cannes. Nhưng ông bỏ nghiệp cầm ca năm 1963 và theo học ngành kinh tế với lý do “làm sao tôi có thể chơi nhạc rock của người Mỹ khi máy bay B52 còn dội bom trên quê hương tôi”. Ông từ Pháp sang sinh sống tại đảo Réunion từ năm 1990 và làm việc tại Đại học Réunion. Sau khi về hưu năm 2006, ông lại quay sang chơi guitar, xem nó như một vũ khí trong cuộc đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Cuộc chiến chưa kết thúc

Với những cảnh quay gây nhức nhối về công tác chăm sóc trẻ em dị tật nạn nhân chất độc da cam, bộ phim Cuộc chiến chưa kết thúc của đạo diễn Canada Bruno Bouliane nhắc người xem nhớ lại rằng hơn 30 năm đã trôi qua, tác nhân da cam vẫn tiếp tục gây đau thương cho nhân dân Việt Nam. Từ năm 1962 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam hơn 80 triệu lít chất độc này. Giờ đây, nhiều trẻ em sinh ra bị dị tật hoặc hệ thống thần kinh bị tổn hại trong khi cha mẹ, ông bà của các em chết vì nhiều bệnh lạ. Le Quotidien de la Réunion dẫn số liệu ước tính có 800.000 nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam ở Việt Nam và con số nạn nhân toàn cầu lên đến từ 4 – 5 triệu người.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo