Theo báo Japan Times, ngày càng có nhiều người cao tuổi ở Nhật phải tự xoay xở trong sinh hoạt hằng ngày và có thể chết một mình trong nhà. Cũng theo báo này, ở thủ đô Tokyo có 2.211 người trên 65 tuổi qua đời ngay trong nhà mình mà không ai hay biết vào năm 2008, nhiều hơn 847 trường hợp so với năm 2002.
Một điều dưỡng viên nước ngoài chăm sóc người già ở Nhật Bản. Ảnh: JAPANPROBE.COM
Lương thấp, ít người muốn làm
Chính phủ Nhật phải hướng sự chú ý của mình vào người cao tuổi nhiều hơn nữa trong những năm tới, vì theo ước tính, họ sẽ chiếm gần 40% dân số cả nước vào năm 2050. Bộ Y tế cho biết hiện tại cả nước Nhật cần đến 1.314.100 điều dưỡng viên và hộ lý nhưng trên thực tế vẫn còn thiếu khoảng 41.600 người. Ken Takiwaki, Giám đốc Trung tâm NPO Furusato no Kai dành cho người vô gia cư ở Tokyo, cho biết: “Nguồn cung ứng lao động chăm sóc người cao tuổi đang trở nên khan hiếm ở Nhật Bản”. Trước tình hình này, Nhật Bản đón nhận khoảng 1.000 lao động nhập cư từ Philippines và Indonesia theo Hiệp định Đối tác kinh tế trong 2 năm trở lại đây.
Nhật Bản mở rộng cửa đón nhận lao động nước ngoài, một mặt vì tỉ lệ sinh giảm, đe dọa đến tỉ lệ lao động trong nước; mặt khác, hầu như không người bản xứ nào chọn công việc chăm sóc người cao tuổi. Trong suy nghĩ của không ít người Nhật, nghề này gắn với ba thuộc tính mà họ gọi tắt là 3k: kitsui (cực nhọc), kitanai (dơ bẩn) và kiken (nguy hiểm). Thêm vào đó, tiền lương thấp hơn những ngành nghề khác. Vì vậy, nghề chăm sóc người cao tuổi trở thành công việc dành cho lao động nhập cư.
Đối với lao động nước ngoài làm nghề chăm sóc người lớn tuổi, sau khoảng 3-4 năm làm việc, họ phải trải qua một kỳ thi sát hạch nếu muốn làm việc lâu dài ở Nhật. Tuy vậy, số người vượt qua kỳ thi để nhận được bằng chứng nhận đếm trên đầu ngón tay. Trong kỳ thi tổ chức vào mùa hè vừa rồi, khoảng 1.000 người ứng tuyển nhưng chỉ có 3 người đỗ. Kết quả đó làm cả Nhật Bản lẫn các nước cung ứng lao động bối rối vì những người thi trượt có nguy cơ phải quay về quê nhà.
Theo nhật báo Philippines Daily Inquirer, Đại sứ Indonesia Jusuf Anwar cho rằng các kỳ thi quốc gia dành cho y tá và nhân viên chăm sóc người nước ngoài quá khắt khe. Thượng nghị sĩ Hirohiko Nakamura cũng thừa nhận rằng bài thi gồm nhiều “câu hỏi bẫy” để thử thách thí sinh.
Cần lao động nhập cư
Nhiều năm qua, Nhật Bản vẫn chưa tìm ra được câu trả lời thỏa đáng về nguồn lao động nhập cư vào nước này dù nó có lợi đối với cả hai bên. Bên cung ứng sẽ giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp và cải thiện phần nào mức sống người dân trong nước, trong khi bên tiếp nhận giải quyết được sự thiếu hụt lao động trước mắt. Tuy nhiên, vấn đề về nhập khẩu nhiều hơn nữa lao động từ các nước châu Á khác vẫn còn bỏ ngỏ. Một số chính trị gia đồng ý mở cửa Nhật Bản để thu hút lao động nhưng một số khác phản đối. Thượng nghị sĩ Hirohiko Nakamura là một trong những người ủng hộ phương thức mở cửa. Theo ông, nếu người Nhật không rộng cửa đón chào lao động nhập cư, họ sẽ phải chứng kiến cảnh suy sụp của đất nước.
Ngược lại, bà Keiko Higuchi, thành viên Ban Cố vấn Phúc lợi xã hội, chia sẻ trong hội thảo quốc tế về xã hội người cao tuổi: “Khi chúng ta ở độ tuổi 50-60, con tàu mang tên Trăm tuổi chỉ vừa khởi hành. Do đó, chúng ta có thể tự xoay xở và làm tốt nhiều việc”. Cũng giống như bà Keiko Higuchi, tác giả chuyên viết sách về chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi Yukiko Okuma xem nguồn lao động nhập cư là giải pháp chữa cháy tạm thời.
Bình luận (0)