![img](https://nld.mediacdn.vn/Images/Uploaded/Share/2011/07/05/thuockhangsinh.jpg)
Khi bị ho, sổ mũi, bà mẹ cho trẻ dùng kháng sinh (ampicilin, amoxicilin). Thực ra, đây chỉ là phản ứng của cơ thể đối với sự thay đổi môi trường, chỉ cần dùng thuốc giảm triệu chứng. Nếu có kèm sốt nhẹ thì có thể bị nhiễm virut thông thường; sau khoảng 4-5 ngày, chúng tự thoái lui, theo chu kỳ tự nhiên, không cần dùng kháng sinh.
Trong cơ thể có các vi khuẩn có hại và có lợi ở thế cân bằng. Chỉ khi nào loại có hại vượt trội lên (do nhiễm từ bên ngoài) thì mới trở thành kẻ thù gây bệnh. Dùng khi chúng chưa trở thành kẻ thù gây bệnh sẽ làm cho chúng quen đi, sau này khi trở thành kẻ thù gây bệnh sẽ kháng lại các thuốc đó.
Dùng không đúng loại
Trẻ bị viêm họng, ho, sốt cũng có thể bị nhiễm khuẩn hô hấp nhẹ (Streptococcus pneumoniae) cũng có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A (S. beta hemolytic group A).
Khi bị nhiễm khuẩn hô hấp nhẹ, chỉ cần dùng amoxicillin, chưa cần tiêm penicillin.
Khi bị nhiễm liên cầu khuẩn, phải tiêm ngay penicillin liều cao, nếu chỉ dùng amoxillin thì không khỏi, chuyển sang nặng, để lại di chứng tim suốt đời.
Ngoài ra, mỗi kháng sinh thường chỉ nhạy cảm với một hay một số vi khuẩn nhất định, khi dùng không đúng loại như thế, vi khuẩn sẽ không bị tiêu diệt, tạo ra chủng kháng thuốc.
Dùng không đủ liều
Nhiều người dùng kháng sinh không đúng giờ, không đủ số lần trong ngày, thấy hơi đỡ thì bỏ dùng.
Kháng sinh không trực tiếp mà chỉ khống chế sự phát triển sinh sản, tạo cơ hội cho cơ thể tiêu diệt vi khuẩn. Mỗi đợt thường dùng 7-10 ngày qua các giai đoạn: tấn công (1-2 ngày đầu), duy trì (ổn định ở liều có hiệu lực) trong 4-5 ngày, tiếp tục dùng (với liều cũ khi đỡ nhưng chưa khỏi hẳn) và khi khỏi hẳn có thể dùng củng cố trong vài ngày nữa. Dùng không đúng chỉ dẫn mà tùy tiện thì không khác gì đánh cho vi khuẩn suy yếu nhưng không đánh liên tục, không đánh đến cùng, tạo cơ hội cho vi khuẩn hồi phục. Làm như vậy, vi khuẩn sẽ sống sót, tạo ra chủng kháng thuốc.
Thích dùng loại cực mạnh
Mỗi người khi mắc bệnh cũng như cộng đồng khi có dịch bệnh thường ở một mức nhất định nhẹ - vừa - nặng - rất nặng. Tùy theo mức mà chọn thuốc. Chẳng hạn tại Mỹ, với bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, lúc đầu dùng kháng sinh macrolid cổ điển (erythromycin), nếu không đáp ứng thì chuyển sang dùng macrolic thế hệ mới (azithromycin, clarithromycin); khi cả hai thế hệ macrolid không đáp ứng thì bắt buộc phải dùng fluoroquinolon (levo floxacin, gatifloxacin…). Fluoroquinolon được xem như vũ khí dự trữ chiến lược. Nếu ngay khi ở mức nhẹ vừa mà dốc hết kho dự trữ ra dùng thì khi ở mức nặng, rất nặng khó tìm được thứ thuốc tốt hơn.
Thích dùng loại phổ rộng
Kháng sinh phổ rộng (nhạy cảm với nhiều loại vi khuẩn) chỉ nên dùng khi: chắc chắn là bị đa nhiễm khuẩn (hai hay nhiều loại khuẩn) hay chắc chắn đã đa kháng thuốc (kháng lại nhiều kháng sinh). Khi chỉ nhiễm một loại vi khuẩn (có triệu chứng đặc trưng do vi khuẩn đó gây ra) thì chỉ nên dùng một loại kháng sinh đặc hiệu. Tuy nhiên, trong trường hợp này cũng có người thích dùng một loại kháng sinh phổ rộng vì tưởng dùng như thế sẽ như “bắn một mũi tên trúng nhiều đích”, không đánh đúng loại này thì cũng đánh đúng loại khác. Thực ra cách dùng này gây ra nhiều rắc rối.
- Kháng sinh phổ rộng sẽ tiêu diệt hết cả loại vi khuẩn gây bệnh lẫn không gây bệnh làm mất cân bằng vi sinh, tạo ra bệnh khác. Ví dụ: khi bị viêm đường hô hấp nhẹ mà dùng kháng sinh phổ rộng và/hoặc liều cao như fluoroquinolon thì sẽ khỏi ngay bệnh viêm đường hô hấp nhẹ, nhưng vì fluoroquinolon tiêu diệt các vi khuẩn khác ở ruột nên gây tiêu chảy do loạn khuẩn ruột, gây thiếu vitamin K.
- Kháng sinh phổ dù rộng đến đâu cũng không thể chống được hết mọi loại vi khuẩn. Những loại vi khuẩn còn lại sẽ sống sót, tạo ra chủng kháng thuốc, chủng kháng thuốc này sẽ phát triển, phát sinh ra bệnh nhiễm khuẩn khác. Thí dụ: khi dùng kháng sinh phổ rộng ketoconazol để chống một loại nấm, thì sau một thời gian dùng kéo dài có thể lại bị nhiễm một loại nấm khác.
Thích dùng nhiều loại
Khi cùng lúc nhiễm hai hay nhiều vi khuẩn thì dùng hai hay nhiều kháng sinh để tăng khả năng chống vi khuẩn. Trường hợp này, hiện thầy thuốc thích dùng một loại kháng sinh phổ rộng (như nói trên) tiện lợi hơn. Khi chỉ nhiễm một loại vi khuẩn nhưng vi khuẩn ấy kháng thuốc tương đối mạnh thì có thể phối hợp thêm một kháng sinh khác. Ví dụ khi nhiễm Streptococcus pneumoniae nếu chỉ dùng amoxicillin mà chưa đáp ứng tốt thì phối hợp thêm clavulanic acid. Clavulanic acid kháng lại betalactamase làm tăng hiệu lực amoxicillin làm tăng hiệu lực của thuốc. Đây là những trường hợp phối hợp hợp lý.
Có trường hợp người bệnh chưa rõ bệnh gì, cứ nghĩ dùng cùng lúc nhiều loại kháng sinh không trúng bệnh này thì trúng bệnh khác. Có trường hợp, người bệnh nóng vội, dùng loại này thấy bệnh chưa chuyển lại dùng loại khác mà không dùng loại nào đến nơi đến chốn.
Cách dùng thay đổi liên tục như vậy sẽ tạo ra các chủng kháng thuốc giống như trường hợp dùng kháng sinh phổ rộng hay không đủ liều (đã nói trên). Ngoài ra, các kháng sinh còn tương tác triệt tiêu hiệu quả của nhau hoặc gây ra các phản ứng độc hại.
Bình luận (0)