Trong cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Ba Na ở Gia Lai đang dần đổi thay. Một bộ phận thế hệ trẻ thích các sản phẩm văn hóa hội nhập khiến cho văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Tuy vậy, nhiều người trẻ đang nỗ lực để giữ gìn di sản quý báu của cha ông.
Hiện em Đinh Văn Bé (làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng) đã biết đánh, đánh được nhiều bài chiêng hay. Nhưng để được như vậy, tất cả là nhờ công sức của già Đinh H'Mưnh. Vào 7 năm trước, khi mới là cậu nhóc 12 tuổi, Đinh Văn Bé đã nghỉ học, theo cha mẹ đi làm rẫy. Thấy vậy, già Đinh H'Mưnh mới vận động Bé đi học cồng chiêng. Nghe phải đi học, Bé sợ hãi, chối đây đẩy nhưng sau rồi cũng đồng ý.
Khi vào học, Đinh Văn Bé thấy mình đánh không bằng các bạn nên mượn chiêng về nhà tự học, chỗ nào không biết thì tìm già Đinh H'Mưnh để hỏi. Chẳng bao lâu em đã đánh được tất cả các bài chiêng.
Còn em Đinh Văn Mường (17 tuổi, làng Mơ Hra) là người đam mê cồng chiêng. Em kể rằng từ năm 8 tuổi đã tham gia lớp học cồng chiêng do già làng dạy. Ban ngày đi học, tối về em lại ra nhà rông tập đánh cồng chiêng. Đến nay em đã thành thạo tất cả các bài chiêng, được đi biểu diễn ở nhiều nơi.
Bà Trần Thị Bích Ngọc, cán bộ Văn hóa - thông tin xã Kông Lơng Khơng cho biết đội cồng chiêng của làng Mơ H’Ra đặc biệt bởi có nhiều thành viên trẻ tuổi. Đến nay, đội chiêng làng đã đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi Liên hoan Cồng chiêng huyện Kbang.
"Rất may mắn các em yêu thích, đánh cồng chiêng rất tốt. Đây sẽ là thế hệ nối tiếp các thế hệ cha ông tiếp tục gìn giữ văn hóa, giúp văn hóa cồng chiêng đặc sắc của của người Ba Na không bị mai một" - bà Ngọc nói.
Ông Đinh Đình Chi, Trưởnh phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kbang đánh giá hiện nay việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn như: một bộ phận thế hệ trẻ không mặn mà với văn hóa truyền thống; các nghệ nhân biết đánh chiêng và chỉnh chiêng đã già yếu, một số đã qua đời trong khi thế hệ trẻ không có sự tiếp cận kịp thời; chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân chưa tương xứng, kinh phí dành cho công tác bảo tồn di sản văn hóa còn hạn hẹp...
Nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, trong thời gian qua chính quyền địa phương đã duy trì việc tổ chức liên hoa cồng chiêng, hội thi đan lát, tạc tượng dệt thổ cẩm, hội thi ẩm thực truyền thống của dân tộc Ba Na gắn với các hoạt động Ngày hội du lịch hàng năm của huyện.
Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương xây dựng các đội cồng chiêng nhỏ tuổi tại các làng của người Ba Na. Đưa hoạt động diễn xướng cồng chiêng vào chương trình mở màn, chương trình chào mừng các sự kiện văn hoá, chính trị của địa phương.
Ngoài ra còn tổ chức sưu tầm, lưu giữ và khai thác giá trị các di sản văn hóa của dân tộc Bahnar như: các làn điệu dân ca Bahnar, kể Khan, sưu tầm nhạc cụ truyền thống, nghề thủ công truyền thống, các lễ hội truyền thống.
Đặc biệt, đã tiến hành khảo sát lập hồ sơ đề nghị công nhận các danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, hỗ trợ các chế độ chính sách để các nghệ nhân phát huy tinh thần và trách nhiệm trong công tác truyền dạy các loại hình di sản văn hóa của người Ba Na.
Bình luận (0)