icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thế mạnh mới của TP HCM

Bài và ảnh: PHAN ANH

TP HCM sau sắp xếp đặt trọng tâm khai thác thế mạnh của từng địa phương, từng đơn vị, qua đó huy động mọi nguồn lực phát triển

Ngày 4-7, UBND TP HCM tổ chức phiên họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025. Đây là phiên họp đầu tiên sau khi 3 địa phương TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương hợp nhất, hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Đáp ứng yêu cầu

Sự kiện diễn ra theo hình thức trực tiếp tại UBND TP HCM và trực tuyến đến 168 phường, xã, đặc khu dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được. Dự phiên họp có Chủ tịch HĐND TP HCM Võ Văn Minh.

Một nội dung quan trọng tại phiên họp là đánh giá hoạt động mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1-7. 

Về nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Nguyễn Công Vinh nhìn nhận công tác sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp bước đầu đạt những kết quả quan trọng, đúng yêu cầu, mục tiêu và tiến độ đề ra.

Thế mạnh mới của TP HCM- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại phiên họp

Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM Võ Thị Trung Trinh thông tin hệ thống giải quyết thủ tục hành chính ghi nhận đã tiếp nhận 60.277 hồ sơ trên các lĩnh vực, trong đó trực tuyến là 17.744 hồ sơ. Hệ thống quản lý văn bản ghi nhận 168 phường, xã, đặc khu có 782 văn bản gửi đi và nhận về 32.095 văn bản. 

Con số ấn tượng nữa, TP HCM đã cung cấp 14.918 tài khoản quản lý hệ thống văn bản, 10.726 tài khoản trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính... Các nhà mạng không giới hạn băng thông nên đường truyền ổn định.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh tinh thần đã được Trung ương quán triệt, đó là ai không làm được thì nên đứng sang một bên để người khác làm.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, để vận hành trôi chảy các nền tảng số thì hạ tầng công nghệ thông tin tại cấp xã phải được bảo đảm. Do vậy, cần kế hoạch đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho những nơi này. 

Trong khi đó, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Lâm Đình Thắng cho hay trong 6 tháng cuối năm sẽ nỗ lực phổ cập cáp quang đến 100% hộ gia đình; phủ sóng mạng 5G đến 100% vị trí có nhu cầu cao; duy trì hạ tầng tốc độ băng thông rộng cố định và di động ngang tầm các nước tiên tiến.

Trôi chảy

Từ đầu cầu đặc khu Côn Đảo, Bí thư Đảng ủy đặc khu Côn Đảo Lê Anh Tú báo cáo đặc khu đã cơ bản hoàn thiện tổ chức bộ máy để vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trong 3 ngày, Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp nhận 32 hồ sơ.

Tại điểm cầu phường Sài Gòn, Chủ tịch UBND phường Sài Gòn Vũ Nguyễn Quang Vinh thông tin trong 3 ngày đầu hoạt động, phường đã thành lập các phòng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc và kiện toàn nhân sự. 

Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Sài Gòn nhận 303 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó, 256 hồ sơ trực tiếp, 47 hồ sơ trực tuyến. Trung tâm trả kết quả 311 hồ sơ gồm cả hồ sơ chuyển tiếp của quận 1 trước đây. Địa phương ghi nhận phản hồi của người dân, doanh nghiệp trong những ngày đầu khá tích cực và tới đây tiếp tục lắng nghe, rà soát để chấn chỉnh, cải tiến chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

Cũng theo Chủ tịch UBND phường Sài Gòn, địa phương đã làm việc với Công an phường, Ban Chỉ huy quân sự, các khu phố để bảo đảm không bỏ trống địa bàn, không bỏ sót công việc.

Thế mạnh mới của TP HCM- Ảnh 2.

Cán bộ, công chức phường Bến Thành hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Lãnh đạo xã Cần Giờ cho hay mọi công tác chuẩn bị và triển khai hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp được thực hiện chu đáo, vận hành ổn định để tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ cho người dân trong thời gian quy định. Người dân trên địa bàn xã Cần Giờ tin tưởng và kỳ vọng vào sự phục vụ của chính quyền địa phương mới.

Bối cảnh mới, nhận thức mới

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh yêu cầu về sự thống nhất trong quan điểm chung sức xây dựng TP HCM. 

Mọi ranh giới hành chính tồn tại trong suy nghĩ trước đây đều phải xóa và phải tận dụng, khai thác thế mạnh của từng địa phương, từng đơn vị để huy động mọi nguồn lực cùng phát triển. Cạnh đó, đội ngũ cán bộ cần thay đổi nhận thức, lấy nhân dân là trung tâm phục vụ, coi doanh nghiệp như bạn đồng hành của chính quyền và là nguồn lực, động lực của sự phát triển.

Ông Nguyễn Văn Được cũng lưu ý cán bộ, công chức phải tinh thông nghiệp vụ, giữ gìn đạo đức công vụ và không ngừng rèn luyện bản thân. Đặc biệt, người đứng đầu phải phát huy vai trò trung tâm đoàn kết, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, linh hoạt thích ứng, dân chủ, khách quan, công tâm... 

Ngoài ra, cán bộ, đảng viên phải toàn tâm toàn ý với công việc, làm hết việc chứ không phải hết giờ.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND TP HCM đặt mối quan tâm cao về tính ổn định, hiệu quả của bộ máy, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp thông suốt. Đồng thời, hoàn thiện đề án Trung tâm hành chính công hai cấp.

Trong đó, Trung tâm hành chính công cấp thành phố sẽ có trụ sở chính và 38 chi nhánh gồm 22 chi nhánh của TP HCM cũ, 9 chi nhánh ở tỉnh Bình Dương cũ, 7 chi nhánh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ. Sở Nội vụ phải hoàn thành đề án Trung tâm Hành chính công TP HCM trong tháng 7 và hoàn thành đầu tư trong tháng 8-2025. 

Hơn 773 tỉ đồng tới người nghỉ hưu, thôi việc

Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Thị Thanh Hiền cho hay sẽ tham mưu UBND TP HCM hỗ trợ tốt nhất cho 168 phường, xã, đặc khu hoàn thiện các hệ thống công nghệ thông tin dùng chung. Đồng thời, tập trung nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, nhất là khó khăn trong việc di chuyển giữa các địa phương, để bố trí, sắp xếp phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của các đơn vị.

Cũng theo sở này, tính đến ngày 30-6-2025, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang nghỉ hưu và nghỉ thôi việc theo Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025 là 2.081 người, với số tiền đã chi trả 773,5 tỉ đồng.

2 kịch bản tăng trưởng

Theo báo cáo của UBND TP HCM, trước thời điểm sắp xếp, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP HCM trong 6 tháng đầu năm 2025 ước tăng 7,82% so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu là 2,61% và Bình Dương 8,3%.

Như vậy, TP HCM sau sắp xếp tăng trưởng ước đạt 6,56% (nếu trừ dầu thô thì tăng 7,49%).

Thế mạnh mới của TP HCM- Ảnh 4.

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp tại UBND TP HCM và trực tuyến đến 168 phường, xã, đặc khu

Phân tích chỉ tiêu tăng trưởng của thành phố tại phiên họp, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TP HCM Nguyễn Khắc Hoàng cho rằng để đạt con số Thủ tướng giao, trong 6 tháng cuối năm TP HCM phải tăng ít nhất hơn 10%. Do đó, các cấp ngành cần đặt mục tiêu tăng trưởng mới dựa trên lợi thế sau sắp xếp.

Đồng tình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM Trương Minh Huy Vũ nêu giải pháp như "luồng xanh" để xử lý nhanh các dự án hạ tầng; cắt giảm thủ tục hành chính để thông thoáng thị trường. Đồng thời, thúc đẩy an sinh xã hội, bình ổn giá để giảm thiểu tác động tiêu cực khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được yêu cầu Chi cục Thống kê, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tham mưu UBND thành phố 2 kịch bản tăng trưởng, gồm từ 8%-8,5% và 10%. Đồng thời tham mưu các giải pháp chống "mượn đường xuất khẩu" trong ứng xử với thuế đối ứng của Mỹ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo