1. Thất bại của ĐTQG Việt Nam tại Tiger Cup 2004. Dù muốn, dù không, người ta cũng không thể bỏ quên một điểm nhấn rõ nét đến vậy của BĐVN năm 2004. Thất bại tại Tiger Cup 2004 chính là ấn tượng khó quên nhất với những người sống với BĐVN, yêu BĐVN. Chỉ tiếc, ấn tượng đó lại đi kèm với nỗi buồn, với những giọt nước mắt tiếc nuối cho một cơ hội vàng bị bỏ lỡ. Được chuẩn bị chu đáo trong khoảng thời gian dài kỷ lục (5 tháng), tham dự 2 giải đấu giao hữu (LG Cup, AGRIBANK Cup), cùng 3 trận đấu trong khuôn khổ Vòng loại World Cup 2006, và hàng loạt trận đấu tập với các CLB mạnh trong nước, tưởng như chiến dịch tìm vàng Tiger Cup của ĐTVN diễn ra suôn sẻ. Nhưng rút cục, tất cả đã đổ sông đổ bể bởi ông thầy lập dị người Brazil Tavares. Sự trở lại với BĐVN của ông ta đã thất bại bằng những việc làm khó hiểu, lập dị, những quyết định kỳ quái. Tất cả những điều đó khiến ấn tượng tốt đẹp mà ông ta từng tạo dựng nên 9 năm về trước trở thành hoài niệm. Không chỉ thế, một trận thua tan tác trước Indonesia (và cả thảm bại 0-3 tại Maldives) là đủ biến bao nỗ lực của những Công Vinh, Bảo Khanh, Tài Em… trong các trận đấu rực lửa trước đó với Myanmar, SVHQ (LG Cup), Hàn Quốc, Lebanon (Vòng loại World Cup), Santa Cruz (AGRIBANK Cup) trở thành… công cốc. Tạm biệt Tiger Cup 2004! Tạm biệt giấc mơ Vàng! Hẹn gặp lại 2 năm sau nhé, Việt Nam sẽ trở lại!
2. Mùa hạn của bóng đá trẻ. Không hẹn mà gặp, bóng đá trẻ cũng hoà nhịp với điệp khúc buồn của BĐVN 2004 khi đồng loạt thất bại tại các giải đấu khu vực và châu lục. Chưa kịp nguôi nỗi buồn của U17 VN tại giải U17 châu Á (thua cả 3 trận), người hâm mộ lại sớm thất vọng với màn trình diễn của U20 VN tại giải vô địch ĐNA. Chỉ giành ngôi á quân, U20 VN bỏ lỡ cơ hội đăng quang trước những đối thủ cùng đẳng cấp. Chỉ sau đó 1 tháng, vẫn là U20 VN và cũng vẫn là thất bại khi họ trắng tay ở giải U20 châu Á (thua cả Malaysia lẫn Nepal). Nỗi thất vọng vẫn chưa hết khi nội tình đội bóng được bung ra, kèm theo chân dung những gương mặt chưa thành tài đã thành tật. Tre đã già, măng đã mọc, nhưng hình như vẫn còn non quá.
3. Sự sụp đổ của một tượng đài. Thể Công lần đầu tiên bị xuống hạng sau 50 năm tồn tại và phát triển. Một quá khứ hiển hách đã song hành cùng đội bóng áo đỏ. Thể Công đã thực sự đổ bóng xuống bóng đá Việt Nam. Ở một góc độ nào đó, họ không chỉ là đội bóng của Quân đội, mà còn là niềm tự hào chung của hàng triệu người yêu bóng đá Việt Nam. Kể từ thành lập đến nay, Thể Công đã 20 lần VĐQG: Vô địch giải hạng A miền Bắc năm: 1956, 1958, 1968, 1969, 1971, 1972, 1973, 1974, 1975, 1976, 1977, 1978, 1979; VĐQG các mùa bóng 1980/81, 1981/82, 1982/83, 1984/85, 1986/87, 1989/90, 1997/98. Chói lọi thành tích, nên khi tượng đài này phải xuống hạng thực sự là một cú sốc lớn với những người yêu mến họ.
Buồn cho Thể Công, nhưng phải khẳng định, việc đội bóng này xuống hạng là cần thiết. Tự trói buộc mình trong chiếc vòng “kim cô”, không chịu hoà mình với xu hướng chuyên nghiệp mạnh mẽ, quyết liệt của thời cuộc, Thể Công trở nên lạc điệu trong dàn đồng ca. “Cải tổ hay là chết”, thất bại này khiến cho những người làm bóng đá Quân đội phải nhận thức lại chính mình. Những tín hiệu đáng mừng phát đi từ Thể Công - họ sẽ được “doanh nghiệp hoá” khiến các CĐV vững tin vào một ngày trở về không xa.
4. Cố danh thủ Trương Tấn Bửu được tôn vinh. Cố danh thủ Trương Tấn Bửu, một “cố nhân” của Thể Công đã được đề cử là nhân vật tiêu biểu của bóng đá Việt Nam trong một thế kỷ qua. Ông cũng được FIFA trao Huân chương thế kỷ nhân dịp tổ chức này tròn 100 tuổi. Từng trải qua nhiều đội bóng, được đề tặng danh hiệu “Trung ứng vách sắt” bởi đã hoá giải được rất nhiều tiền đạo giỏi đương thời. Sau Cách mạng Tháng 8, ông tham gia kháng chiến và có thời gian cuối cùng trong sự nghiệp thi đấu trong màu áo Thể Công. Ngoài 40 tuổi ông vẫn là trụ cột của đội bóng áo đỏ, giúp Thể Công giành 2 chức vô địch miền Bắc. Sau đó, cố danh thủ Trương Tấn Bửu còn tham gia dẫn dắt Thể Công, ĐTVN đi thi đấu tại Trung Quốc. Với những đóng góp to lớn cho BĐVN, ông xứng được được tôn vinh.
5. HAGL “một mình một ngựa” băng băng về đích ở V.League, bảo vệ thành công ngôi vị số 1 ở giải đấu cao nhất của BĐVN. Ngày 20/6/2004, HAGL thất bại 0-1 trước TVU.HP nhưng vẫn đăng quang chức vô địch lần thứ hai liên tiếp, ngay sau khi vừa thăng hạng. Đó là một kỷ lục mà người ta đã và sẽ còn phải nói đến nhiều nữa bởi chiến tích đó, có thể xem là “vô tiền, khoáng hậu” trong lịch sử BĐVN. HAGL chính là hiện thân và hình ảnh đại diện cho sự chuyển mình, phát triển không ngừng của V.League sau 4 mùa giải thử nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam. Năm 2004 là năm của HAGL!
6. ĐT bóng đá nữ mất ngôi hậu Đông Nam Á. Sau 3 năm độc chiếm ngôi hậu của làng cầu nữ Đông Nam Á, ĐT bóng đá nữ Việt Nam bất ngờ để mất vương miện. Nhà ĐKVĐ 2 kỳ SEA Games liên tiếp (21 và 22) đã không thể một lần nữa vượt qua đối thủ khó chịu Myanmar dù có lợi thế sân nhà. Nhưng suy cho cùng, thất bại này cũng là tất yếu do kết quả của quá trình chuyển giao thế hệ. Với những gương mặt trẻ giàu tiềm năng bắt đầu bước ra ánh sáng, tin tưởng rằng, ngày đòi lại ngôi hậu của Việt Nam sẽ chẳng còn xa.
7. Cuộc “đại phẫu” của PJICO.SLNA. Đội bóng của một địa phương nghèo, âm thầm làm theo cách của riêng mình, SLNA trở thành “đại gia” trong làng bóng đá Việt Nam mấy năm gần đây. Khi V.League chuyển sang cơ chế mới, những khiếm khuyết của xứ Nghệ bắt đầu lộ diện mà cao trào của nó là sự cố tại Cúp QG 2004. Sau sự cố này, PJICO.SLNA dằn lòng tiến hành cuộc “đại phẫu”. Kết cục tất yếu, hàng loạt nhân tố từng làm nên thành công cho bóng đá xứ Nghệ như “kiến trúc sư” Nguyễn Hồng Thanh, HLV kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh cùng hàng loạt cầu thủ đã ra đi. Sự mất mát đội ngũ lãnh đạo, cầu thủ mở đầu cho cuôïc “cách mạng” về con người trong lòng đội bóng. Xáo trộn về mọi mặt, người ta đang tự hỏi, liệu khi một ê kíp mới ở hàng ngũ lãnh đạo, BHL có đủ sức để giữ vững truyền thống của đội bóng áo vàng? Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mùa giải mới đã cận kề mà cơ cấu tổ chức, nhân sự, điều hành vẫn chưa ổn định. Vô vàn những khó khăn đang chờ đợi đội quân áo vàng!
8. Không cầu thủ bóng đá nào có tên trong danh sách bầu chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2004. ĐTVN tham dự Tiger Cup 2004 là sự kiện lớn nhất của BĐVN trong năm. Bởi thế, thất bại mà thầy trò ông Tavares phải đón nhận đã tác động mạnh mẽ đến cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu của năm. Không cái tên nào lọt vào “top 10”, kể cả những cầu thủ thi đấu nổi bật cả năm như Bảo Khanh, Công Vinh, Tài Em, Minh Phương. Quả là một năm thất bại và thiệt thòi của BĐVN.
9. Quả bóng Vàng VN 2003 bị loại khỏi danh sách tham dự Tiger Cup 2003. Phong độ không đảm bảo, cộng thêm một vài nguyên nhân “bên lề”, cầu thủ trẻ tiêu biểu nhất cho thế hệ mới Phạm Văn Quyến đã bị HLV Tavares gạch tên khỏi danh sách tham dự Tiger Cup 2004. Đây là lần thứ 2, cầu thủ đang khoác áo PJICO.SLNA lỡ hẹn với một trong những giải đấu lớn nhất khu vực (lần trước là SEA Games 2001). Đặc biệt, trong cả 2 lần Văn Quyến bị loại, ĐTVN đều được dẫn dắt bởi HLV Brazil (Dido năm 2001, Tavares năm 2004).
10. Tăng số đội tại V.League lên con số 14. 4 mùa bóng chuyên nghiệp đã qua đi với rất nhiều tín hiệu đáng mừng cho bóng đá nước nhà. Chất lượng giải V.League đã được tăng lên một mức rất cao. Điều đó thể hiện qua con số trung bình có hơn 7.000 khán giả ở mỗi trận đấu, V.League đã trở thành miền đất hứa với nhiều cầu thủ hàng đầu khu vực… Sức hấp dẫn của giải đấu này khiến cho xu thế xã hội hoá bóng đá diễn ra mạnh mẽ. Và sự có mặt của ngày càng nhiều doanh nghiệp với các đội bóng đang giúp bóng đá Việt Nam ngày càng tiếp cận những tiêu chí của nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ. Dù vậy những bất cập về giải đấu như có quá ít số đội, thời gian diễn ra giải quá ngắn, các cầu thủ không được thi đấu thường xuyên… Vì thế, LĐBĐVN đã quyết định tăng số đội thi đấu tại V.League lên con số 14. Việc tăng số đội sẽ áp dụng từ mùa giải 2006. Hy vọng “chợ đông” sẽ khiến giải ngày càng hấp dẫn hơn!
Bình luận (0)