Theo công bố từ các cơ quan chức năng Indonesia, số người thiệt mạng là 125, nhưng theo nhiều nguồn tin từ truyền thông xứ vạn đảo, có ít nhất 131 trường hợp tử nạn sau thảm kịch trên sân Kanjuruhan.
Nhiều vật phẩm tưởng niệm được đặt trước cổng số 13 sân Kanjuruhan (Ảnh: The Washington Post)
Với những người may mắn sống sót sau vụ việc, lời kể của họ đều có liên quan ít nhiều đến tình trạng giẫm đạp, xô xát ở cổng số 13 của sân vận động Kanjuruhan. Thậm chí, nhiều người bị ám ảnh sau khi chứng kiến cảnh bạo loạn.
Prasetyo Pujiono, một người nông dân ngụ tại Malang, cho biết: "Mọi người cố gắng tự cứu mình sau khi cảnh sát sử dụng hơi cay. Chúng tôi muốn lao thật nhanh khỏi sân, nhưng cổng đã bị khóa. Đó là lý do có nhiều người bị ngạt thở và giẫm đạp đến chết".
Mảng tường cạnh cổng số 13 bị phá hủy để làm lối thoát hiểm (Ảnh: Daily Herald)
Nhiều người hâm mộ sau đó đã phá vỡ được mảng tường bên cạnh cổng số 13 để thoát thân. Sau vụ việc, một cá nhân nào đó đã viết lên bức tường tại đó dòng chữ với đại ý: "Tạm biệt các anh chị em của tôi. 01-10-2022".
Cũng theo anh Pujiono, người đàn ông 32 tuổi này cùng một vài người nữa đã di chuyển 20 thi thể nằm rải rác xung quanh cổng số 13. "Thật bi thảm, rất nhiều nạn nhân đã thiệt mạng ở cổng sân này. Chúng tôi không thể thoát ra nếu không di chuyển họ. Vì thể, tôi cùng 1 số người bạn đã dời họ sang địa điểm khác" - anh Pujiono kể lại.
Theo lời kể của anh Pujiono cùng nhiều nạn nhân sống sót sau vụ bạo loạn, cổng số 13 cùng 1 vài cổng khác bị khóa khi thảm kịch diễn ra. Trong khi đó, phát biểu từ phía cảnh sát lại cho rằng tất cả 14 cổng sân đều được mở, chỉ là lối ra quá hẹp, dẫn tới tình trạng chen lấn, giẫm đạp.
Sự chậm trễ trong việc mở cổng sân khi bạo loạn xảy ra bị lên án kịch liệt (Ảnh: The Guardian)
Sau khi xem xét vụ việc, Hiệp hội bóng đá Indonesia (PSSI) xác nhận sự chậm trễ trong việc mở cổng sân sau khi bạo loạn bùng phát là một trong những nguyên nhân gia tăng trường hợp tử vong. Qua đó, giám đốc điều hành sân Kanjuruhan và đội ngũ điều phối, an ninh sân bị cấm tham gia vĩnh viễn các hoạt động, công việc liên quan đến bóng đá.
Ngoài ra, PSSI còn cấm đội chủ sân Kanjuruhan là Aruma FC không được thi đấu trên sân nhà đến hết mùa giải năm nay và phạt tiền 250 triệu Rupiah (khoảng 16.500 USD).
Bình luận (0)