19 giờ 35 phút ngày 26-8-2017 (giờ Malaysia, tức là 18 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam), Nguyễn Thị Ánh Viên giành chiếc huy chương vàng (HCV) cá nhân thứ 8 tại SEA Games 2017 ở nội dung 200 m tự do, đồng thời lập kỷ lục SEA Games mới ở nội dung này.
Cùng HCV nhưng kém về kỷ lục
Đây không phải là lần đầu tiên cô giành được 8 HCV trong một mùa SEA Games. Sân chơi bơi lội khu vực đã biết đến cô gái này từ năm 2015. Với kỳ tích đoạt 8 HCV cá nhân cùng 7 lần phá kỷ lục SEA Games chỉ trong một kỳ đại hội 2015, Ánh Viên đã đi vào lịch sử bơi lội Đông Nam Á như một trong những tay bơi xuất sắc nhất. Tờ The Straits Times của Singapore lúc đó đánh giá Ánh Viên là "VĐV giá trị nhất của đoàn thể thao Việt Nam". Người ta đặt cho cô những biệt danh như "Cô gái thép" hay gọi cô là "Nữ hoàng bơi lội mới của Đông Nam Á". Điều đó đến nay vẫn đúng.
Ánh Viên khóc vì hạnh phúc và nhẹ nhõm sau chiếc HCV 100 m ngửa khi trước đó, cô chỉ về hạng 4 cự ly 200 m bướm tại SEA Games 2017 Ảnh: QUANG LIÊM
Tại SEA Games 2017, Ánh Viên tranh tài ở 15 nội dung cá nhân, giành 8 HCV và 2 HCB. Thành tích này hơn thành tích ở SEA Games 2015 một chút (8 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ) nhưng kém về số kỷ lục SEA Games (3 kỷ lục mới trong đại hội 2017 so với 7 ở năm 2015).
Tại SEA Games 2015, Ánh Viên mở hàng bộ sưu tập HCV bằng các cự ly sở trường như 400 m bơi hỗn hợp và 800 m bơi tự do. Tại SEA Games 2017, cô bắt đầu cuộc thi chung kết đầu tiên vào ngày 21-8 với thất bại: về thứ 4 cự ly 200 m bơi bướm, mà sau đó như cô tâm sự "tôi chỉ muốn lặn luôn dưới đáy hồ sau thất bại đó".
Tại SEA Games 2015, Ánh Viên là người đi săn HCV. Không biết mình sẽ có bao nhiêu tấm huy chương, hoàn toàn không bị áp lực về số lượng nên mục tiêu của cô chỉ là: lấy càng nhiều càng tốt. Nhưng đến SEA Games 2017, Ánh Viên từ "người đi săn" bị biến thành "con mồi" chính bởi số lượng HCV mà cô đã giành được 2 năm trước đó. Áp lực rất khủng khiếp. Chính vì sức ép đó mà Ánh Viên thất bại ở ngay cuộc thi chung kết đầu tiên 200 m bơi bướm, không có nổi huy chương, gần như gãy đổ về tâm lý.
5 phút định mệnh
Ông Đặng Anh Tuấn, HLV trưởng đội tuyển bơi Việt Nam - cũng là người trực tiếp huấn luyện Ánh Viên trong gần 6 năm ở Mỹ (tính đến năm 2017), nhớ lại: "Chỉ 15 phút sau thất bại ở 200 m bơi bướm là phải bước vào cuộc thi chung kết 100 m ngửa, Ánh Viên nhìn tôi với hai dòng nước mắt khi bước lên khỏi hồ. Tôi biết ngay vào khoảnh khắc đó rằng nếu không kéo được Ánh Viên trở lại chính mình thì mọi thứ sẽ sụp đổ hoàn toàn. Ngay bây giờ, 5 phút duy nhất để cứu lấy tất cả hoặc mất tất cả.
- Con có phải là Nguyễn Thị Ánh Viên không?
- Con không phải là con.
- Đúng! Chính vì con không phải là Nguyễn Thị Ánh Viên nên con thất bại!
- Nhưng con bơi không được, không có cảm giác nước.
- Con bơi mà trong đầu con luôn suy nghĩ là mình bơi được không? Mình bơi nhanh không? Chắc mình không đủ sức bơi? Chắc đối thủ mạnh hơn mình, thì con làm gì còn sức, còn năng lượng đâu để mà bơi?
- Sao thầy biết con đang suy nghĩ như thế? Đúng là con suy nghĩ như vậy từ tối qua đến giờ.
- Từ hôm qua, thầy nhìn là thầy biết. Thầy đã nói con cần sự thoải mái và tự tin. Con phải là Nguyễn Thị Ánh Viên thì con sẽ chiến thắng. Bây giờ, đứng lên ngay, bước ra thi đấu 100 m bơi ngửa, trở lại chính mình và con sẽ bơi phá kỷ lục SEA Games.
- Con bơi như vậy, làm sao phá được kỷ lục SEA Games?
- Thầy chưa bao giờ nói gì hay làm điều gì mà không có cơ sở. Từ trước đến giờ, con có thấy là khi con làm đúng theo những gì thầy nói thì con thành công hay thất bại?
- Dạ, thành công.
- Thế bây giờ là lúc con phải làm đúng như thầy nói, vì khi rồi, 200 m bướm là con làm theo ý con, chứ không phải theo ý thầy".
Cuộc trao đổi chỉ vỏn vẹn 5 phút, vì đã đến giờ Ánh Viên phải ra tập trung thi đấu. Kết quả, Ánh Viên đã phá kỷ lục SEA Games cự ly 100 m ngửa ngay sau đó.
"Đây có thể nói là khoảnh khắc vô cùng khó khăn, khi Ánh Viên bước lên khỏi hồ, đến bên tôi cũng với hai hàng nước mắt trên khuôn mặt nhưng đó là hai hàng nước mặt hạnh phúc, tự tin và được giải phóng chứ không phải là hai hàng nước mắt sợ hãi, mất mát của trước đó 10 phút. Và sự tự tin trở lại, cho đến chiếc HCV thứ 8" - ông Tuấn kế.
Dù vậy, ông Tuấn vẫn coi SEA Games 2017 là một trong những giải đấu đáng thất vọng trong sự nghiệp huấn luyện của mình. Cảm giác "có lỗi" này ngấm ngầm lan sang người học trò. Nó đeo bám Ánh Viên đến sau đó, khi hết ngày thi đấu cuối, cô trả lời báo giới: "SEA Games 2017 với tôi vẫn là thất bại. Tôi tiếc khi không lấy được HCV 100 m bơi tự do và 200 m bơi bướm".
200 m bướm là cự ly Ánh Viên đã vô địch SEA Games 2015. Còn 100 m tự do luôn được xem như cự ly "mặt tiền" - sàn diễn danh giá nhất của môn bơi lội.
Kỳ tới: Hóa rồng từ con lạch trước nhà…
Phải quen với áp lực
Ở đại hội 2015, Ánh Viên chỉ thi 12 nội dung cá nhân, tức là cô tối đa hóa cơ hội tốt hơn. Nguyên nhân? Có lẽ phần lớn là vì chiến lược không quá chú trọng ở các cự ly bơi bướm ngắn vốn là lãnh địa mà các kình ngư Singapore thống trị. Nhưng cũng có thể là do điều kiện thi đấu ở Singapore năm 2015 tốt hơn hoặc bản thân Ánh Viên 2 năm trước không bị áp lực số lượng huy chương đè nặng.
Bình luận (0)