Khoảng cách giữa bơi lội nước nhà với quốc tế, dù được rút ngắn với đầu tàu là Ánh Viên, vẫn còn rất rộng. Trong khi đó, khó phủ nhận một thực tế là khoảng cách giữa Ánh Viên và các VĐV bơi lội khác trong nước cũng khá lớn. Ở đây không chỉ đơn thuần nói về năng khiếu và khả năng mà đó còn là câu chuyện đầu tư trong thể thao thành tích cao.
Mơ HCV châu lục
Mục tiêu lớn nhất trong năm 2018 của thầy trò Ánh Viên là tấm HCV tại Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games hay ASIAD) tổ chức tại Indonesia từ ngày 18-8 đến 2-9. Đã có 19 HCV SEA Games nhưng cho đến nay, thành tích cao nhất của Ánh Viên tại Á vận hội chỉ là 2 HCĐ ASIAD 2014, cự ly 200 m bơi ngửa và 400 m bơi hỗn hợp.
Ông Đặng Anh Tuấn cho rằng lấy HCV châu Á trong bơi lội rất căng bởi khu vực này có sự hiện diện của 2 đội bơi lội mạnh của thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản. Trong tương lai, tới ASIAD 2022 tổ chức ở Hàng Châu (Trung Quốc), lấy huy chương ở bơi và các môn khác sẽ càng thêm khó khi có sự tham gia của Úc.
Ánh Viên chụp cùng HLV đội tuyển Úc Michael Bott lúc giành HCĐ 400 m hỗn hợp tại ASIAD 2014. Ông Bott lúc này là HLV của Park Tae Hwan - nhà vô địch Olympic 2008 cự ly 400 m tự do Ảnh: Anh Tuấn
Hiện giờ, đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Ánh Viên tại cự ly 200 m và 400 m bơi hỗn hợp ở châu Á là các VĐV Nhật Bản Sakiko Shimizu và Yui Ohashi. Thống kê như vậy để thấy dù "thần đồng" Ye Shiwen đã trở thành "người thường" thì Ánh Viên cũng chỉ ngang ngửa với các kình ngư Nhật Bản ở cự ly sở trường là 400 m bơi hỗn hợp, Shimizu hơn Ánh Viên 4 tuổi, Ohashi hơn 1 tuổi.
5-6 năm đỉnh cao
Các chuyên gia thường chia ra làm 3 thời kỳ độ tuổi với các VĐV châu Á. Với nữ, vùng thành tích cao ban đầu là dưới 16 tuổi; vùng thành tích cao nhất là từ 17 đến 21 tuổi; sau đó là vùng thành tích duy trì, nữ trên 21 tuổi ít có đột phá, tăng tiến chậm hoặc thành tích đi ngang trước khi xuống dốc và giải nghệ.
Ánh Viên hiện 21 tuổi, trên lý thuyết là đã sang đến vùng thành tích thứ ba nhưng HLV Đặng Anh Tuấn dự báo rằng Ánh Viên còn ở đỉnh cao từ 5 đến 6 năm nữa. Các phân tích sau Olympic 2016 cho thấy càng về sau này, tuổi lên đỉnh cao của các VĐV càng muộn hơn nhờ y học, dinh dưỡng thế thao phát triển giúp kéo dài tuổi thọ nghề nghiệp của các VĐV.
Ánh Viên không có nguồn tài trợ thương mại dài hạn dù là VĐV hàng đầu Việt Nam. Những khoản thưởng cô nhận được chỉ mang tính ngẫu hứng sau khi cô đạt thành tích tốt ở SEA Games. Ánh Viên đang xin học bổng từ Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA), nếu được mỗi tháng, cô sẽ được nhận khoảng 1.000 USD. Hiện là sĩ quan quân đội, nên dưới một góc nhìn nào đó, việc thi đấu của cô là để phục vụ cho đơn vị mình công tác.
Nhiều lời mời trao học bổng
Việc tham gia thi đấu trên toàn nước Mỹ, có thành tích tốt mang đến cho Ánh Viên nhiều lời mời trao học bổng học và tập ở các trường đại học, cao đẳng tại nước Mỹ. Tuy nhiên, nếu nhận học bổng thì phải tham gia tập luyện theo chương trình của trường, hoàn toàn khác với kế hoạch, mục tiêu của thầy trò Ánh Viên và các nhà quản lý thể thao ở Việt Nam đặt ra nên Ánh Viên chưa thể nhận lời theo học được.
HLV Đặng Anh Tuấn cho biết sở trường của Ánh Viên là các môn sinh và hóa nên cô theo học ngành y học thể thao trong tương lai là tốt nhất. Ngành này bổ trợ nhiều cho công tác huấn luyện nếu Ánh Viên trở thành HLV sau khi giải nghệ.
Năm 2015, sau khi giành 8 HCV SEA Games, Ánh Viên đã được Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Gia Hòa tặng một căn hộ đã hoàn thiện nội thất ở tầng 8 có diện tích 70 m2, trị giá 1,5 tỉ đồng trong dự án nhà The Art của công ty này ở phường Phước Long B, quận 9, TP HCM.
Căn hộ của Ánh Viên nhìn thẳng xuống hồ bơi được đặt theo tên Ánh Viên trong khu dự án The Art. Là một người yêu thể thao và gắn bó với nhiều hoạt động hỗ trợ thế hệ trẻ với tư cách một chủ doanh nghiệp, ông Lê Hùng Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Gia Hòa, đang có ý định thành lập một công ty cổ phần bơi lội nhằm mở các lớp xóa mù bơi cho trẻ em bắt đầu từ
TP HCM ra tới các địa phương khác. Ánh Viên mặc định có cổ phần trong công ty đó, không chịu trách nhiệm nếu công ty thua lỗ nhưng sẽ thụ hưởng lợi nhuận nếu công ty sinh lãi, đây có thể xem như nền tảng ổn định cuộc sống lâu dài cho Ánh Viên.
Hẳn nhiều người biết nhiều trường hợp các VĐV chuyên nghiệp từng mang thành tích về cho đoàn Việt Nam nhưng sau khi giải nghệ, đời sống rất khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này nhưng khó phủ nhận việc các đơn vị chưa tính toán được "đường về" cho họ. Do đó, cần cơ quan quản lý hoạch định đường đi sau này cho mỗi VĐV cũng hiệu quả như việc tìm cách để đưa một tài năng thể thao lên con đường chuyên nghiệp vậy.
Ánh Viên có thể đã may mắn hơn khi nhận được sự quan tâm và tưởng thưởng từ người mộ điệu thể thao. Điều đó xứng đáng với những nỗ lực và vinh quang mà cô mang về cho Tổ quốc. Nhưng hy vọng việc ghi nhận đóng góp của mỗi VĐV thành tích cao không chỉ dừng lại ở những khoản thưởng mang tính ngẫu hứng như vậy.
Đặt hàng cho ngành thể thao - giáo dục
Ánh Viên là một kỳ tích của bơi lội Việt Nam nói riêng và của thể thao Việt Nam nói chung, làm sao để xây dựng được sự bền vững trong phát triển môn bơi lội, thành tích không phụ thuộc vào một cá nhân? Làm sao để khi Ánh Viên giải nghệ, đã có một lớp VĐV kế cận sẵn sàng tỏa sáng? Làm sao biến "kỳ tích Ánh Viên" thành "cú hích Ánh Viên" trong việc giáo dục thế hệ trẻ, nâng tầm thể chất của dân tộc, giảm thiểu những tai nạn sông nước thương tâm? Tất cả điều đó là những việc rất quan trọng đối với ngành thể thao và giáo dục Việt Nam.
Bình luận (0)