Một số câu trả lời đã có, nhiều nhất là từ VFF, với hàng loạt kỳ vọng về chuyên môn, rằng đội tuyển quốc gia sẽ được dịp học hỏi kỹ thuật siêu đẳng của các “pháo thủ”; rằng các HLV sẽ được nâng tầm về tư duy chiến thuật và đọc trận đấu; rằng các nhà thể thao trong nước sẽ được mở rộng tầm mắt về quản lý bóng đá chuyên nghiệp, tổ chức giải...
Phải khẳng định ngay đó là những kỳ vọng hão bởi đây chỉ là trận cầu giao hữu. So giày với tuyển quốc gia Việt Nam tối nay (17-7), Arsenal sẽ đá như dạo chơi vì đẳng cấp quá cách biệt. Ban huấn luyện và các cầu thủ đội bóng thành London cũng chẳng có ý định bày dạy gì cho các đồng nghiệp Việt Nam.
Những “học hỏi”, “cọ xát”, “trau dồi”... về chuyên môn bóng đá đã được phía ta nói quá nhiều song thực tế chẳng được gì. Năm năm trước, khi tuyển Olypic Brazil sang đấu giao hữu, bóng đá Việt Nam cũng đã được “học hỏi”, “cọ xát”, “trau dồi” nhưng trình độ... sa sút dần. Ngoài “đỉnh cao” là chức vô địch AFF Cup 2008, từ đó đến nay tại sân chơi truyền thống SEA Games cũng như AFF Cup, tuyển quốc gia càng đá càng mờ nhạt... Mà nào phải vì thiếu cơ hội học hỏi, cọ xát đâu! Cũng tổ chức tham quan các giải đấu quốc tế liên tục, cũng du đấu nước ngoài rôm rả, cũng tập huấn đây đó thường xuyên và cũng xem Arsenal thi đấu hằng tuần (qua truyền hình) đấy thôi! Vậy mà V-League chưa khá; lối chơi rắn và đạo đức cầu thủ lúc nào cũng ở mức “đáng báo động”. Quả thật, hiếm có ai càng học nhiều mà càng tệ như bóng đá Việt Nam!
Những cái được trước mắt, dễ thấy nhất, đó là người hâm mộ sẽ được tận mắt chứng kiến các cầu thủ nổi tiếng thế giới thi đấu trên sân cỏ nước nhà. Về lâu dài, chuyến du đấu của Arsenal có thể sẽ mở đường cho những CLB nổi tiếng khác sang Việt Nam. Đây còn là cơ hội để các nhà làm du lịch tiếp thị hình ảnh Việt Nam rộng rãi hơn với thế giới. Đó mới là lợi ích nền tảng.
Tất nhiên, trong những “cái được”, có một số thuộc về 2 nhà đồng tổ chức - Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Eximbank. Họ chi hàng chục tỉ đồng cho sự kiện này song đều tuyên bố không vì tiền mà vì người hâm mộ trong nước. Ai cũng hiểu đằng sau những tuyên ngôn cao đẹp đó là lợi ích thương mại lâu dài mà 2 thương hiệu này sẽ gặt hái được. Những thành quả của thì tương lai ấy, nếu có, Hoàng Anh Gia Lai và Eximbank hoàn toàn xứng đáng được hưởng so với những gì họ đã đóng góp. Trong quá trình xã hội hóa thể thao và nhiều lĩnh vực khác, rất cần những doanh nghiệp mở đường, dám nghĩ dám làm như 2 nhà đồng tổ chức chuyến du đấu của Arsenal và cách đây không lâu là Tôn Hoa Sen với sự kiện đưa biểu tượng vượt khó Nick Vujicic sang Việt Nam.
Bình luận (0)