xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Bán nước bọt” bên đường biên

Bài và ảnh: NGUYỄN HUY

Giọng Bắc chuẩn, trầm ấm, cách bình hài hước, Anh Ngọc đang là bình luận viên “đắt hàng” của các giải bóng đá phong trào tại TP HCM

Vài năm gần đây, khi phong trào bóng đá sân cỏ nhân tạo 5 người phát triển mạnh tại TP HCM, vị bình luận viên (BLV) ngụ tại quận 8 này bỗng dưng có “nghề tay trái” thú vị.

Từ trọng tài đến người “truyền lửa”

Mười năm trước, Anh Ngọc là “vua áo đen” sau khi hoàn thành khóa đào tạo trọng tài thứ 1 của Liên đoàn Bóng đá TP HCM. Sau đó, anh làm trọng tài cho những trận đấu nghiệp dư, chủ yếu các sân bóng thi đấu trên 5 người. Anh có mặt ở hầu hết các sân bóng, nhất là khu vực sân A41 Cộng Hòa, 367 Hoàng Hoa Thám, 217 Hoàng Hoa Thám…

Theo bình luận viên Anh Ngọc, bình luận bóng đá là phải kết nối được khán giả với trận đấu, phải khách quan với cầu thủ 2 đội
Theo bình luận viên Anh Ngọc, bình luận bóng đá là phải kết nối được khán giả với trận đấu, phải khách quan với cầu thủ 2 đội

“Tôi làm trong một cơ quan nhà nước nên chỉ tranh thủ các tối, các ngày cuối tuần để điều hành những trận đấu. Làm trọng tài hồi đó cực lắm, đứng giữa nắng từ sáng đến chiều. Một trận đấu, trọng tài chính được trả 50.000 đồng, trọng tài biên 25.000 đồng. Mức giá này hiện nay có thể đã tăng gấp đôi. Lúc ấy, vì niềm đam mê bóng đá từ nhỏ nên nắng nôi cũng không ngại” - anh Ngọc nhớ lại.

Anh Ngọc chuẩn bị âm thanh cho một giải bóng đá phong trào ở TP HCM
Anh Ngọc chuẩn bị âm thanh cho một giải bóng đá phong trào ở TP HCM

Trong một trận đấu giải phong trào ở sân 367 Hoàng Hoa Thám, khi không làm trọng tài, anh Ngọc thử bình luận và được nhiều người khen. Sau đó, cũng có một số người khác tự tin thử vị trí bình luận vì nghĩ rằng “chuyện này dễ ợt ấy mà”. Kết cục là họ bị khán giả và cả... cầu thủ phản ứng, la ó nên các chủ sân đều tin tưởng giao cho Anh Ngọc.

“Sở dĩ tôi có thể bình luận tốt là vì thời gian sống ở Hà Nội có đi phụ việc cho Đài Tiếng nói Việt Nam, tự học hỏi từ các phát thanh viên. Bên cạnh đó, tôi có kinh nghiệm làm trọng tài nên nắm luật bóng đá chắc” - vị BLV người gốc Phú Thọ lý giải.

Nghiệp bình luận bóng đá phong trào đến với Ngọc từ đó và anh quyết định bỏ luôn công việc trọng tài để chuyển sang vị trí “người truyền lửa”. Các sân bóng, các ban tổ chức giải bóng đá khi cần người bình luận cho xôm tụ thì “alô” cho Anh Ngọc. Với anh, làm vị trí trọng tài hay BLV đều ổn, quan trọng là được sống với không khí bóng đá.

Bóng đá phong trào có điểm thu hút là không nặng tính chuyên môn, các cầu thủ thi đấu nhiệt tình và vui vẻ, khán giả cũng rất vô tư. “Đồ nghề của BLV bóng đá phong trào là giàn âm thanh gắn micro. Thông thường, các sân bóng đều có sẵn hệ thống âm thanh cho các ban tổ chức giải thuê. Nếu không có hệ thống âm thanh thì tôi sẽ tự thuê và mang đến sân” - Anh Ngọc cho biết.

Cực mà vui

Khi được hỏi về thu nhập từ nghề “bán nước bọt” bên đường biên, Anh Ngọc khoát tay: “Bao nhiêu đâu, trận có trận không! Các giải phong trào kinh phí ít nên tùy giải thôi”.

Anh Ngọc kể có giải bóng đá đồng hương của một tỉnh phía Bắc tại TP HCM do các bạn trẻ tổ chức, không được tài trợ, anh vẫn vui vẻ nhận bình luận miễn phí. Có khi anh từ TP HCM chạy xe máy ra Vũng Tàu bình luận cho một giải giao hữu. Xong giải, những người tổ chức... hết tiền, đôi bên đành nhìn nhau cười xòa!

“Một số đài truyền hình tỉnh cũng mời tôi bình luận bóng đá. Họ có nhà tài trợ nên bình luận xong, tôi được quà mang về, không tiền bạc gì đâu. Còn thông thường, các giải có tài trợ thì tùy hầu bao mà họ trả. Vui là chính thôi. Bởi vậy, tôi luôn coi đây là nghề tay trái, để được sống trong không khí bóng đá” - anh bày tỏ.

Mức giá bình luận trung bình hiện nay cho một trận bóng đá phong trào khoảng 150.000- 200.000 đồng. Với những giải của các nhà tài trợ lớn, người làm bình luận nghiệp dư có thể đảm nhận nhiều trận và kiếm được hàng triệu đồng/ngày.

Làm bình luận bóng đá phong trào khá cực khi BLV phải có mặt ở mọi thời điểm và địa điểm, đi sớm về khuya, sắp xếp việc nhà, việc cơ quan. “Có giải tổ chức ở Củ Chi, kết thúc trận cuối xong là 23 giờ, tôi về đến nhà lúc 1 giờ sáng. Có giải ở Gò Vấp, chuẩn bị khai mạc 6 giờ, tôi cũng phải thức dậy từ rất sớm chạy xe từ quận 8 qua cho đúng giờ. Còn giải ở Cà Mau, tôi phải ngủ trên xe trong đêm, sáng tới nơi là cầm micro bình luận luôn. Bình luận xong lại lên xe đi về. Tôi cũng tham gia bình luận một số giải phong trào lớn hằng năm của các công ty bia tổ chức, họ tài trợ vé máy bay. Nhờ làm BLV mà tôi được đi nhiều nơi, biết đây biết đó” - anh khoe.

Theo anh Ngọc, vui nhất là ra các tỉnh, thành miền Trung bình luận. “Trời mưa hay nắng, khán giả vẫn đến xem rất đông, cổ vũ hào hứng. Có nhiều CĐV lớn tuổi đến khen ngợi, lấy dù che nắng cho BLV. Sau giải, tôi được ban tổ chức mời tham gia lễ trao giải. Tôi cảm thấy vui lắm. Tiền có thể ít hay nhiều nhưng mình được quan tâm là vui rồi” - anh tâm sự.

Ngoài ra, bình luận cho các giải bóng đá đường phố (thi đấu trong lồng sắt) cũng là sở trường của anh Ngọc. “Vì hình thức thi đấu này có luật khác, chưa phổ biến ở Việt Nam nên ngay chính những BLV chuyên nghiệp cũng bỡ ngỡ. Chẳng hạn, tất cả quả phạt, trừ phạt đền, đều là phạt gián tiếp. Mỗi hiệp chỉ 6 phút, không có bóng chết. Cầu thủ nhận thẻ vàng sẽ phải rời sân nhưng được thay người khác. Hết hiệp, cầu thủ bị thẻ vàng mới được vào sân lại… Các giải bóng đá đường phố trên cả nước hiện tại, ban tổ chức rất tín nhiệm tôi trong vị trí bình luận” - anh tự tin.

Bình luận viên cũng là bộ mặt của giải

Anh Ngọc chia sẻ bí quyết để trở thành BLV được nhiều khán giả phong trào yêu mến: “Tôi phải xin danh sách cầu thủ 2 đội, các thông tin về đội bóng… Vì là giải phong trào, một số đội bóng quên mất việc cung cấp thông tin nên tôi phải lên mạng tra về hoạt động, đặc điểm các công ty, xí nghiệp, địa phương… Với các giải phong trào, chuyên môn không phải là vấn đề lớn. BLV phải kết nối được khán giả với trận đấu, đồng thời phải khách quan với cầu thủ 2 đội. Bình luận thì phải khen chê nhưng cần khen, khích lệ nhiều và chê đúng mực, vừa phải, giúp cho cầu thủ tập trung vào trận đấu, cống hiến chuyên môn hết sức. Làm được điều đó là BLV thành công. Hơn hết, BLV phải hiểu rằng ngay cả vị trí bình luận của mình cũng là bộ mặt cho giải”.

Theo anh Ngọc, TP HCM hiện có khoảng 3 BLV chuyên bình luận cho các giải phong trào. Họ đều xem đây là nghề tay trái. Họ kết nối và hỗ trợ nhau vì nhu cầu bình luận khá nhiều, kẹt lịch là chuyện thường.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo