Nhật báo nổi tiếng tại xứ sở Mặt trời mọc Asahi Shimbun nhận định: "Trong lần chào sân ở Asian Cup, VAR đã mang tới cả ánh sáng lẫn bóng tối cho Nhật Bản bởi những quyết định của nó. Maya Yoshida đưa bóng vào lưới tuyển Việt Nam ở phút 24 nhưng khi trận đấu đã sẵn sàng trở lại từ vạch vôi giữa sân, trọng tài Mohammed Abdulla ra ký hiệu sẽ xem lại VAR và kết quả là Yoshida được xác định chơi bóng bằng tay, bị thổi phạt và tuyển Việt Nam được phát bóng lên. Khi hiệp hai bắt đầu được chừng 10 phút, VAR một lần nữa làm gián đoạn trận đấu khi hậu vệ Tiến Dũng ngăn cản nỗ lực đi bóng của Ritsu Doan trong vòng cấm địa Việt Nam. Trọng tài đã thay đổi nhận định ban đầu và sau khi tham khảo VAR đã quyết định thổi phạt đền đối với tuyển Việt Nam".
Pha bóng dẫn đến quả phạt đền gây tranh cãi
Trong khi đó, tờ báo Hàn Quốc Chosun Ilbo nhận định màn trình diễn của thầy trò Park Hang-seo trước đội bóng hàng đầu châu Á ở tứ kết Asian Cup 2019 là rất ấn tượng. "Nhật Bản gây áp lực bằng bài tấn công ở hai biên nhưng Việt Nam đã duy trì được hệ thống phòng ngự chắc chắn. Đội bóng của Park Hang-seo thậm chí còn có nhiều thời điểm đe doạ khung thành của Nhật Bản, thậm chí đã ở rất gần bàn thắng ở phút 37 khi hàng thủ Nhật Bản phối hợp thiếu ăn ý trước khung thành đội nhà. Nhật Bản đang giữ kỷ lục vô địch Asian Cup và thường xuyên tham dự World Cup nhưng không cách nào tiếp cận được mành lưới của Đặng Văn Lâm trong hiệp một trừ tình huống chơi bóng bằng tay của hậu vệ Maya Yoshida. Phải nhờ đến công nghệ VAR, Nhật Bản mới được hưởng quả phạt đền và vượt lên dẫn 1-0. Việt Nam chơi cống hiến và giàu năng lượng hơn Nhật Bản, đội hơn họ 50 bậc trên bảng xếp hạng FIFA".
Việt Nam gây rất nhiều khó khăn cho ứng viên vô địch Nhật Bản
Brotherton – phóng viên của These Football Times – bày tỏ thái độ rõ ràng trên Twitter: "Ban đầu trọng tài không thổi phạt đền và đó không phải sai lầm gì đó rõ ràng và hiển nhiên. Trọng tài có thể thổi hoặc không. VAR không nên được dùng trong tình huống này. Nó chỉ nên được áp dụng ở những quyết định sai hoàn toàn của trọng tài chính. Nếu nó được dùng để sửa mọi sai lầm của trọng tài, trận đấu sẽ liên tục bị gián đoạn. Pha quay chậm cho thấy trung vệ Bùi Tiến Dũng đã đá vào bóng trước khi vô tình ngáng chân Ritsu Doan. Quyết định không thổi phạt đền của trọng tài đã bị thay đổi bởi VAR".
Nhật Bản hai lần nhận quyết định phân xử khác nhau từ VAR
Đồng tình với Brotherton, bình luận viên người Úc Rob Cornthwaite viết: "Tôi nghĩ trọng tài có thể thổi phạt đền, cũng có thể không. Trong những tình huống như thế, VAR không nên xuất hiện". Nhà báo thể thao Tomas Danicek (CH Czech) bình luận: "VAR không phải để sửa lỗi. VAR giúp trọng tài xem xét lại tình huống và đánh giá một lần nữa. Đó là điều đã được thực hiện nhưng trọng tài nên yêu cầu được xem lại video ngay lập tức chứ không phải đợi nhiều phút như thế".
Các CĐV trung lập bất mãn với quyết định sử dụng VAR của trọng tài
"Chỉ trích duy nhất là việc tại sao ba phút của trận đấu trôi qua một cách lãng phí chỉ để trọng tài đưa ra quyết định. Sau đó, hiệp hai chỉ có bốn phút bù giờ. Đáng ra trọng tài phải cho thêm thời gian", bình luận viên của kênh Fox Sports Brenton Speed nhận xét.
Tuyển Việt Nam thi đấu sòng phẳng trước đối thủ nặng ký
Theo luật, VAR chỉ được áp dụng trong trường hợp trọng tài đưa ra quyết định sai rõ ràng, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng như ảnh hưởng đến bàn thắng, phạt đền hay thẻ đỏ. VAR được áp dụng vào trường hợp Bùi Tiến Dũng tranh chấp bóng quyết liệt với Ritsu Doan trong vòng cấm địa hoàn toàn đúng luật, vấn đề là trọng tài đã để vài tình huống bóng trôi qua mới quyết định xem lại VAR khiến nhiều người hụt hẫng, kể cả CĐV Nhật Bản.
Bình luận (0)