Tối 23-3, ngay sau khi Báo Người Lao Động đăng tải đoạn clip về khoảnh khắc băng ca đưa tiền vệ Đỗ Hùng Dũng lên xe cấp cứu, trong lúc HLV Park Hang-seo ở bên cạnh tỏ vẻ lo âu, liên tục hỏi "chấn thương ở đâu?" thì hàng triệu trái tim người yêu bóng đá Việt Nam như nghẹn lại trước tiếng khóc nức nở của tiền vệ trụ cột đội tuyển Việt Nam và Hà Nội FC.
Lời xin lỗi muộn màng
Đỗ Hùng Dũng là nạn nhân mới nhất của tình trạng bạo lực sân cỏ, sau khi anh phải nhận cú tắc bóng bằng cả hai chân của tiền vệ CLB TP HCM Ngô Hoàng Thịnh, cũng là tuyển thủ quốc gia.
Mới chỉ trước đó ít phút, cả hai còn bắt tay và trêu ghẹo nhau trong đường hầm trước trận đấu giữa CLB TP HCM và Hà Nội FC. Thế nhưng chỉ sau 23 phút thi đấu, Hùng Dũng rời sân trong tiếng khóc còn Ngô Hoàng Thịnh chỉ biết vớt vát bằng câu "Anh xin lỗi, anh không cố ý" trước khi cánh cửa xe cấp cứu đóng lại.
Sau 12 giờ chờ đợi, sáng 24-3, Đỗ Hùng Dũng đã lên bàn mổ và được bác sĩ Phạm Quốc Hùng, chuyên gia đầu ngành về chữa trị chấn thương thể thao, hoàn tất việc phẫu thuật, cố định lại phần xương chày và xương mác bị gãy.
Đỗ Hùng Dũng bị gãy chân sau cú tắc bóng của Ngô Hoàng Thịnh trong trận CLB TP HCM - Hà Nội FC tối 23-3 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thông tin này nhanh chóng được CLB Hà Nội và người thân của Hùng Dũng loan báo để trấn an người hâm mộ cả nước. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2019 xem như không còn cơ hội thi đấu ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á tại UAE vào tháng 6 tới, đồng thời cũng hết cửa cống hiến cho Hà Nội FC ở phần còn lại của V-League 2021.
Như vậy, kể từ ngày giành Quả bóng Vàng, Đỗ Hùng Dũng lại chịu cảnh "bạc phận" với sân cỏ. Năm ngoái, ngay ở trận mở màn V-League, anh dính chấn thương nặng từ pha phạm lỗi của cầu thủ Đinh Văn Trường (CLB Nam Định), phải nghỉ thi đấu gần nửa năm. Đó cũng là mùa giải CLB Hà Nội thiếu vắng quá nhiều trụ cột và bị đá văng khỏi cuộc đua vô địch. V-League 2021 mới chỉ đi được 5 vòng đấu, Hùng Dũng lại nhận một cú tắc bóng thô bạo của người từng "ăn cơm đội tuyển" Ngô Hoàng Thịnh. Phải mất ít nhất 6 tháng điều trị, mới biết Hùng Dũng có thể trở lại sân cỏ được hay không.
Bản thân Hoàng Thịnh cũng phải trả giá bằng án kỷ luật treo giò hết năm 2021, bị phạt 40 triệu đồng và đền bù chi phí điều trị cho Đỗ Hùng Dũng. Hy vọng tìm một suất lên đội tuyển quốc gia thời HLV Park Hang-seo mà tiền vệ xứ Nghệ luôn mơ ước xem như cũng khép lại. Lời xin lỗi muộn màng của Ngô Hoàng Thịnh trên xe cấp cứu cũng như hành động đến tận bệnh viện thăm Hùng Dũng chỉ khiến người hâm mộ như bị xát thêm muối, cho dù anh nói: "Dũng đau một thì Thịnh đau 10". Bởi chỉ còn hơn 2 tháng nữa, đội tuyển Việt Nam phải bước vào 3 trận đấu vô cùng khốc liệt với Malaysia, Indonesia và UAE tại vòng loại World Cup 2022.
Hậu quả của nạn "chém đinh chặt sắt"
Trần Anh Khoa từng là tiền vệ trẻ tài năng của SHB Đà Nẵng. Tháng 9-2015, trong trận Sông Lam Nghệ An (SLNA) gặp SHB Đà Nẵng ở vòng 25 V-League 2015, anh bị gãy chân sau cú đạp bóng nguy hiểm từ Quế Ngọc Hải (khi đó thuộc biên chế CLB SLNA).
Sáu năm qua, cũng là quãng thời gian tiền vệ một thời được kỳ vọng lên tuyển quốc gia rời sân cỏ, vật lộn khó khăn để mưu sinh.
Ngày 6-6-2020 là ngày kinh hoàng của tiền vệ Hải Huy (CLB Than Quảng Ninh). Trong trận Than Quảng Ninh thua Hồng Lĩnh Hà Tĩnh 0-2 ở vòng 3 V-League 2020, phút 60, Hải Huy bị hậu vệ Hoàng Lâm của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh truy cản quyết liệt, dẫn đến gãy xương cẳng chân. Trải qua 9 tháng điều trị chấn thương, Hải Huy mới có thể trở lại sân cỏ.
Bóng đá là trò chơi chứa đựng nhiều rủi ro, mọi va chạm đều chỉ xảy ra trong tích tắc và nếu không biết kiềm chế, bảo vệ "nồi cơm" lẫn nhau, cầu thủ khó có thể hình dung hậu quả mà mình đã gây ra như thế nào.
Sau trận đấu ngày 23-3 trên sân Thống Nhất, hàng loạt tên tuổi của bóng đá Việt Nam như HLV Nguyễn Đức Thắng (Topenland Bình Định) và Đặng Phương Nam cho rằng các cầu thủ không thể đánh đồng nhiệt huyết với lối chơi thô bạo và triệt hạ. Giống như HLV Park Hang-seo, các HLV đều tin rằng Ngô Hoàng Thịnh không cố tình triệt hạ Hùng Dũng nhưng hậu quả mà anh gây ra ảnh hưởng từ lối đá "chém đinh chặt sắt" của lò đào tạo SLNA trước đây.
SLNA không thiếu những cầu thủ có kỹ thuật điêu luyện như Văn Quyến, Như Thuật, Quang Tình hay Khắc Ngọc đang khoác áo Viettel. Tuy nhiên, nhiều cầu thủ SLNA vẫn được nhắc đến nhiều hơn ở khía cạnh "chém đinh chặt sắt", mà điển hình là Hữu Thắng, Huy Hoàng trước đây hay thế hệ kế tiếp như Trần Đình Đồng, Quế Ngọc Hải… Không phải đợi đến khi Hùng Dũng lên cáng cứu thương, qua 5 vòng đấu của V-League 2021, khán giả vẫn nhận ra lối đá máu lửa, "chém đinh chặt sắt" ở một số cầu thủ. Ngay với tiền vệ Việt kiều tài hoa Lee Nguyễn, anh nói điều mình cảm thấy áp lực, lo lắng nhất khi trở về Việt Nam thi đấu không phải là đưa CLB TP HCM lên ngôi vô địch mà chính là ở… gót giày của chính các cầu thủ trên sân.
Những vụ chấn thương rúng động thế kỷ
Chấn thương của Đỗ Hùng Dũng gợi nhớ các vụ vào bóng thô bạo ở sân cỏ thế giới. Đó là pha tắc bóng của Martin Taylor với Eduardo trong trận Birmingham gặp Arsenal tháng 2-2008 khiến ống chân trái của tiền vệ người Croatia gốc Brazil bị gãy. Sau 1 năm điều trị, Eduardo mới trở lại sân cỏ, sau đó được triệu tập trở lại đội tuyển Croatia tham gia EURO 2012 và World Cup 2016.
Không may mắn như Eduardo, tiền vệ người Na Uy Alf Inge Haaland (cha của chân sút Erling Haaland lừng danh thế giới hiện nay) từng bị Roy Keane đạp thẳng vào đầu gối trong trận derby giữa Manchester City và Manchester United vào năm 1997, dẫn đến nghỉ cả mùa giải và sau đó phải giải nghệ.
Thủ môn Petr Cech khi còn thi đấu cho Chelsea hồi năm 2006 cũng từng bị Stephen Hunt (Reading FC) thúc cả đầu gối vào vùng đầu, phải phẫu thuật và nghỉ 3 tháng. Anh phải mang luôn mũ bảo hộ đầu khi thi đấu trong vòng 14 năm cho đến tận khi treo găng.
Đ.Linh
(Còn tiếp)
Bình luận (0)