Giới hâm mộ đường đua xanh Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến gương mặt lạ lẫm này từ khi anh tham dự Giải Vô địch Bơi lội thế giới 2015 trong màu áo đội tuyển Việt Nam, bên cạnh Ánh Viên. Dẫu thành tích tại Kazan và các chặng đấu World Cup tiếp theo không cao nhưng Le Nguyen Paul lại nhận được sự đánh giá tích cực từ những nhà chuyên môn trong nước.
Năm 2014, khi tham dự một giải bơi tại Mỹ mà Ánh Viên cũng tranh tài trong thời gian tập huấn ở đây, gia đình Le Nguyen Paul đã gặp gỡ, trò chuyện với HLV Đặng Anh Tuấn. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, ông Tuấn - với tư cách HLV trưởng đội tuyển An Giang - quyết định giúp Le Nguyen Paul mọi thủ tục để được nhận hộ chiếu Việt Nam và gia nhập đội tuyển An Giang. Sau đó, anh được mời thi đấu cho đội tuyển quốc gia.
Bẵng đi một thời gian dài, tháng 6-2016, cái tên Le Nguyen Paul xuất hiện trên các diễn đàn bơi quốc tế khi giành HCB 50 m ngửa tại Giải Vô địch quốc gia Latvia với thành tích 26 giây - thông số mà trang Swimswam ghi nhận là kỷ lục Việt Nam. Trung tuần tháng 10 vừa qua, Le Nguyen Paul lần thứ nhì trở về quê hương và đăng ký tham dự Giải Vô địch Bơi lội quốc gia 2016 (diễn ra từ ngày 18 đến 22-10 tại Hà Nội) trong thành phần đội tuyển An Giang.
Le Nguyen Paul trên đường bơi ở giải VĐQG 2016 Ảnh: Hải Đăng
Sự hiện diện của VĐV Việt kiều Mỹ 24 tuổi này đã làm đường đua xanh dậy sóng. Anh chỉ về nhì ở cự ly 200 m ngửa sau tuyển thủ Trần Duy Khôi nhưng thắng lại kình ngư TP HCM ở nội dung 50 m ngửa, đồng thời phá kỷ lục quốc gia. Tương tự là cuộc tranh chấp với Hoàng Quý Phước khi Le Nguyen Paul vượt qua kình ngư Đà Nẵng ở các cự ly sở trường 50 m bướm và 50 m tự do.
Tham dự 8 cự ly cá nhân và 1 nội dung tiếp sức, Le Nguyen Paul giành tổng cộng 7 HCV và 2 HCB, góp phần quan trọng đưa đoàn An Giang lên vị trí thứ nhì trên bảng tổng sắp huy chương toàn giải với 8 HCV, 5 HCB, 4 HCĐ - chỉ sau đoàn TP HCM (11, 9, 7) và đứng trên những đơn vị mạnh lâu nay như Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Phước, Long An, Quân Đội... Với riêng kình ngư có bằng cử nhân Đại học Missouri (Mỹ) chuyên ngành kinh tế thế giới và đang học lấy bằng tiến sĩ này, anh còn có vinh dự trở thành VĐV Việt kiều đầu tiên giành HCV tại giải vô địch quốc gia.
Việc các VĐV gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài được mời về thi đấu cho đội tuyển quốc gia các bộ môn không còn là chuyện hiếm. Năm 2015, xạ thủ 15 tuổi Iwaki Ai được triệu tập vào đội tuyển trẻ bắn súng quốc gia và giành HCĐ Giải Vô địch châu Á. Môn bóng đá từng có trường hợp của Mạc Hồng Quân hay đội tuyển bơi đã có sự góp mặt của một Việt kiều Mỹ là Nguyễn Yung Thomas, người từng tham dự Giải Vô địch quốc gia 2015 trong màu áo đội bơi An Giang.
Tăng tính cạnh tranh
Theo ông Đinh Việt Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam, việc mời các VĐV gốc Việt về thi đấu cho đội tuyển quốc gia sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh, thêm động lực trong tập luyện và thi đấu cho các VĐV trong nước. Với ưu thế được sinh sống, ăn, tập theo chế độ dinh dưỡng, huấn luyện rất tốt tại các cường quốc thể thao, những VĐV gốc Việt sẽ giúp gia tăng cơ hội tranh chấp huy chương, hướng tới mục tiêu đua tranh ở các đấu trường quốc tế.
Bình luận (0)