Tham dự giải với lực lượng hùng hậu gồm 16 thành viên, đội tuyển Việt Nam chỉ khiêm tốn đặt mục tiêu có huy chương và sớm hoàn thành nhiệm vụ ngay trong ngày khai mạc. Có khá nhiều tình tiết thú vị ở hạng cân nữ 55 kg nhưng theo đánh giá tổng quan, việc lực sĩ tên tuổi Đinh Kim Loan giành HCV tương đối hợp lý khi cô gái quê An Giang đã nhiều lần góp mặt tốp đầu châu lục và thế giới ở nội dung thi đấu của mình.
Chính vì thế, việc Nguyễn Văn Kiên bước lên bục chiến thắng cao nhất ở nội dung thể hình cổ điển dành cho VĐV có chiều cao đến 1,60 m khiến niềm vui của đoàn Việt Nam thực sự bùng nổ. Lực sĩ 29 tuổi quê Vũng Tàu hiện đầu quân cho Bình Dương vẫn là gương mặt khá xa lạ với người hâm mộ trong nước. Anh chưa bao giờ đọ nổi với cựu vô địch thế giới Phạm Văn Mách ở hạng cân 55 kg nam nội dung thể hình truyền thống.
Việc chuyển Kiên sang tranh tài ở nội dung thể hình cổ điển là quyết định táo bạo của đơn vị chủ quản Bình Dương bởi anh chưa từng thi đấu nội dung này ngoài “dàn khung” cơ thể khá chuẩn. Mặt khác, do chuyến đi này mọi thành viên của đội tuyển phải tự túc hoàn toàn kinh phí nên chắc chắn có sự tính toán về khả năng tranh chấp huy chương.
Dù đã “trình làng” nhiều nhà vô địch thể hình cổ điển châu Á nhưng ở giải đấu thế giới, ban huấn luyện tuyển Việt Nam vẫn không thật tự tin khi lực lượng vừa mỏng vừa không có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Do vậy, việc có đến 2 VĐV lọt vào đợt thi chung kết chiều tối 29-11 rồi Nguyễn Văn Kiên giành HCV trong khi Nguyễn Thế Quý đoạt HCĐ, cả đội tuyển Việt Nam đã lặng người đi vì sung sướng khi nghe công bố kết quả.
Sau 3 nhà vô địch thế giới nội dung thể hình truyền thống Phạm Văn Mách, Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Anh Thông, đây là lần đầu tiên thể hình cổ điển Việt Nam có được một nhà vô địch thế giới. Thế mạnh của thể hình Việt Nam nói chung một lần nữa được khẳng định qua 2 ngôi vô địch giải lần này, còn thể hình cổ điển nói riêng cũng chứng tỏ được sự đúng đắn trong hướng đầu tư cho môn mới.
Bình luận (0)