Sáng 30-12, LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong hợp đồng mà VFF đã ký với Tập đoàn An Viên (AVG). Ngay lập tức, Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên đã gửi công văn đáp trả...
VPF “bật lại” VFF
mà còn kể tội VFF của Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ (trái). Ảnh: HẢI ANH
Chiều 30-12, bầu Kiên thay mặt VPF gửi công văn phúc đáp “chỉ thị” mà VFF nêu ra với nhiều điểm phản bác VFF. Ngoài việc chỉ ra VFF khẳng định mình là tổ chức duy nhất sở hữu bản quyền và ký tới 20 năm với AVG là không phù hợp với các quy định tại điều 53 Luật TDTT, VPF còn “vạch tội” VFF: “VFF ký hợp đồng với AVG khi chưa được sự ủy quyền của các CLB chuyên nghiệp là trái với các quy định pháp luật Việt Nam”. Vì thế, ông Kiên cho rằng VPF không cần tuân thủ hợp đồng này.
Công văn phản bác VFF của VPF mang đúng chất giọng bầu Kiên: “VPF khẳng định chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không thừa nhận quyền khai thác bản quyền truyền hình của AVG và việc VPF cho phép VTV được truyền hình các trận đấu của các giải do VPF tổ chức là phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người hâm mộ”.
Có kẽ hở trong hợp đồng VFF-AVG?
Với quan điểm cứng rắn từ phía bầu Kiên, có vẻ như VPF đang sẵn sàng để không chỉ đối đầu với AVG mà thậm chí là với cả VFF. VFF bắt đầu lo bởi họ là người đứng giữa và phải chịu các trách nhiệm dân sự liên quan đến hợp đồng đã ký với AVG. Nếu VFF phá hợp đồng, mức đền bù sẽ cao gấp nhiều lần số phí bản quyền 6 tỉ đồng/năm mà họ đã ký với AVG.
Ông Hỷ khẳng định: “VPF là một tổ chức thành viên của chúng tôi nên họ phải tuân thủ các quyết định của chúng tôi”. Tuy nhiên, theo bầu Kiên, VPF chỉ chịu sự quản lý về chuyên môn của VFF còn quản lý Nhà nước là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và trực tiếp là Tổng cục TDTT.
Ông Kiên nói: “Chúng tôi cho phép đối tác của mình phát sóng giải đấu do chúng tôi quản lý. Điều đó theo Luật TDTT không có gì sai. Tôi đã xem kỹ hợp đồng mà VFF đã ký với AVG trong 20 năm và tôi thấy không cần phải quan tâm đến bản hợp đồng đó”. Ông Kiên từ chối đánh giá về những kẽ hở trong hợp đồng mà VFF đã ký, tuy nhiên phó chủ tịch VPF khẳng định đó là hợp đồng “có nhiều điểm bất hợp lý”.
VPF có thể không sợ bị AVG kiện nhưng VFF thì rất sợ vì còn bị ám ảnh bởi những lần họ thua kiện trong quá khứ. Đây cũng có thể là cơ hội để nhiều người nhìn thấy những “góc khuất” trong những bản hợp đồng mà VFF đã ký. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói rằng sự việc VPF cho phép VTV phát sóng nằm ngoài dự tính của VFF. Tuy nhiên, trách nhiệm của VFF là phải can thiệp, làm các bên hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Người đứng đầu VFF bày tỏ hy vọng VPF mới chỉ khẳng định là họ sẵn sàng để VTV sản xuất các trận đấu trực tiếp chứ chưa ký kết hợp đồng với đài truyền hình này.
AVG cho VTV sóng sạch Sau khi có sự hậu thuẫn từ VFF, AVG đã “thừa thắng xông lên” để tái khẳng định quyền sở hữu hợp pháp với bản quyền các giải đấu. Chiều 30-12 cũng là thời điểm AVG hoàn thành việc thỏa thuận với VTV trong việc phối hợp phát sóng Super League. Theo AVG, tại vòng 1, VTV được AVG cấp xác nhận bản quyền để ghi hình phát sóng 2 trận: HAGL - Vicem Hải Phòng lúc 16 giờ ngày 31-12; Hà Nội - Hà Nội T&T lúc 16 giờ ngày 1-1-2012 (đều trên VTV3). VTV cũng được AVG cấp xác nhận bản quyền để ghi hình phát sóng trận khai mạc giữa SLNA gặp Thanh Hóa lúc 16 giờ 10 phút ngày 1-1-2012 (VCTV). Đây đều là những trận có sóng sạch do VTV tự sản xuất.
Bình luận (0)