Tiếp quản đội bóng Đường sắt Việt Nam từ năm 2000 và đổi tên thành Ngân hàng Á Châu, với tư cách là chủ tịch CLB, bầu Kiên đã đầu tư rất nhiều cho đội bóng. Chỉ sau hai năm, Ngân hàng ACB đã giành quyền thăng hạng V-League mùa 2001-2002. Tuy nhiên, ở V-League 2003, đội bóng của bầu Kiên (khi đó được đổi tên thành LG Hà Nội ACB) đã không thể trụ lại và phải quay trở lại đá giải hạng Nhất quốc gia.
Bầu Kiên (trái) trong một buổi họp
Trong thời điểm đó, khi biết tin Tổng công ty Hàng không Việt Nam không tiếp tục tài trợ cho CLB Hàng không Việt Nam ở giải V-League 2004, bầu Kiên đã quyết định xin tiếp quản lại đội bóng này, đồng thời đổi tên đội lại thành LG Hà Nội ACB để đá V-League. Riêng đội bóng rớt hạng, bầu Kiên chuyển giao cho LĐBĐ Hà Nội và sau đó được tập đoàn Hòa Phát Hà Nội tiếp quản.
Giữa mùa giải 2006, LG rút tài trợ, bầu Kiên lại đổi tên đội bóng thành Hà Nội ACB. Đến mùa 2008, cùng với Hòa Phát Hà Nội, đội bóng của bầu Kiên là hai đội có thành tích thi đấu bết bát nhất nên buộc phải chịu cảnh rớt hạng và mãi đến mùa giải 2010, Hà Nội ACB mới thăng hạng V-League. Tuy nhiên, ở V-League 2011, thành tích bết bát một lần nữa khiến đội bóng của ông phó chủ tịch Ngân hàng ACB phải chia tay V-League và cũng thêm một lần nữa, ông Kiên lại thay tên đổi họ đội bóng, nhận suất dự V-League mà CLB Hòa Phát Hà Nội bỏ lại và đổi tên thành CLB Bóng đá Hà Nội dự tranh V-League 2012.
Với tham vọng tranh đua ở V-League, bầu Kiên không tiếc tiền đầu tư cho CLB Bóng đá Hà Nội khi chiêu mộ hàng loạt trụ cột, trong đó đáng chú ý nhất là tiền đạo Lê Công Vinh. Tuy nhiên, cũng giống như những mùa bóng trước, đội bóng của bầu Kiên phải rất vất vả mới giành quyền trụ hạng V-League 2012.
Bầu Kiên đầu tư rất nhiều cho đội bóng nhưng chưa thu được hiệu quả cao
Không chỉ đầu tư cho đội nhà, bầu Kiên còn trở thành nhân vật tạo nên cú sốc lớn cho làng bóng đá Việt Nam khi có những phát biểu chỉ trích LĐBĐ Việt Nam ở cuộc họp tổng kết mùa giải 2011, đồng thời cùng các ông bầu khác như bầu Đức của HAGL, bầu Thắng của ĐTLA, bầu Lê Tiến Anh của K.Khánh Hòa thành lập ra Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) để tổ chức và điều hành V-League 2012 thay cho bộ máy của LĐBĐ Việt Nam trước đây.
Một trong những thành công của VPF khi ra đời là giúp bóng đá Việt Nam tìm nguồn kinh phí lớn từ tiền bản quyền truyền hình hai giải V-League và hạng Nhất.
Bình luận (0)