Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, đây sẽ là một khó khăn không nhỏ cho môn võ của nước ta, nhất là khi nhiều môn võ khác của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á - như Muay của Thái Lan, Kempo Sorinji và Tarung Derajat của Indonesia, Arnis (võ gậy) của Philippines - cũng không có tên trong danh sách sơ bộ các môn thi đấu ở Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games) 28 của chủ nhà Singapore công bố cách đây không lâu.
Theo ông Ân, muốn Vovinam góp mặt ở kỳ SEA Games 28, cần có sự phối hợp giữa Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục TDTT và Liên đoàn Vovinam Việt Nam. Cách đây 2 năm, ban đầu môn võ này cũng không có mặt trong danh sách các môn tranh tài ở SEA Games 27 tổ chức tại Myanmar năm 2013. Nhưng những nỗ lực của các đơn vị nêu trên đã mang lại kết quả. Hội đồng Thể thao Đông Nam Á đã thống nhất để BTC SEA Games 27 đưa Vovinam vào thi đấu. Cơ sở để Việt Nam thuyết phục BTC SEA Games 28 là môn võ này đã góp mặt liên tiếp trong 3 kỳ SEA Games (năm 2009 tại Lào, năm 2011 tại Indonesia và 2013 trên đất Myanmar) cùng việc đang lan truyền trên khắp thế giới.
Mới đây, từ ngày 14 đến 17-2, đoàn cán bộ thể thao Việt Nam, gồm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao (Tổng cục TDTT) Trần Đức Phấn và ông Nguyễn Bình Định, đại diện Liên đoàn Vovinam Việt Nam, đã tham dự Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, tổ chức tại Singapore. Cuộc họp này đóng vai trò bản lề để Việt Nam vận động nước chủ nhà đưa các môn thế mạnh của mình trở lại danh sách các môn được thi đấu tại SEA Games 28, trong đó có Vovinam.
Bình luận (0)