Trước năm 1975, bóng bàn miền Nam sản sinh nhiều cao thủ, "làm mưa làm gió" ở các giải thể thao khu vực Đông Nam Á như Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Ðược, Trần Văn Liễu hay anh em Lê Văn Tiết, Lê Văn Inh, đặc biệt là Vương Chính Học
Năm 1975, khi đất nước thống nhất, người hâm mộ bắt đầu tò mò: "Nếu thi đấu, các cao thủ bóng bàn hai miền, ai hơn ai?". Tuy nhiên, phải đến tháng 3-1978, tại TP biển Quy Nhơn, Giải Vô địch Bóng bàn quốc gia mới chính thức diễn ra.
Nhà báo Nguyễn Lưu, ký giả kỳ cựu góp mặt trong giải đấu đó, chia sẻ: "Các tay vợt miền Nam di chuyển dẻo, đánh bóng đẹp, cắt bóng phản công. Thời ấy, báo chí gọi phong cách ấy là "đánh nhuyễn". Nhưng lối chơi ngẫu hứng, những cú đánh "sát thủ" thì họ không có, bởi đó là đặc trưng mang màu sắc của các tay vợt phía Bắc".
Nguyễn Ngọc Phan, nhà vô địch bóng bàn Việt Nam đầu tiên sau khi đất nước thống nhất
Do hoàn cảnh lịch sử, các tay vợt hai miền chưa có điều kiện thi đấu cọ xát nên có tính cạnh tranh vùng miền, chẳng ai chịu kém ai, càng khiến cho giải đấu thêm hấp dẫn. Nhưng giới chuyên môn cũng không khó để đoán được rằng lọt vào trận chung kết đơn nam sẽ là 2 ngôi sao tài năng, nổi tiếng nhất thời đó: Vương Chính Học của phương Nam và Nguyễn Ngọc Phan của đất Bắc.
Trận chung kết hôm ấy diễn ra vào ngày 26-3-1978. Người hâm mộ TP HCM kéo ra Quy Nhơn xem Vương Chính Học - niềm tự hào của miền Nam - trổ tài, đông như trẩy hội. Nhà báo Nguyễn Lưu kể lại: "Để phục vụ người hâm mộ tại TP HCM, một phóng viên còn dùng điện thoại tường thuật trực tiếp từ nhà thi đấu ở Quy Nhơn về cho báo Tin Sáng. Bên ngoài tòa soạn, người ta dùng hai loa phát lời bình luận trực tiếp từ Quy Nhơn. Và người hâm mộ hồi hộp theo dõi từng lời bình luận".
Trước trận đánh, các tờ báo ở TP HCM đều nhận định Nguyễn Ngọc Phan đúng là danh bất hư truyền nhưng chưa đủ để đánh bại Vương Chính Học. Tuy nhiên, trận chung kết lại diễn ra theo thế trận một chiều. Vương Chính Học nhanh chóng thất thủ trước Nguyễn Ngọc Phan 3 ván trắng. Khán giả hâm mộ Vương Chính Học sốc nặng.
Lối chơi "ôm bàn tấn công" cả hai mặt phải, trái dũng mãnh và cả những quả phát xoáy của danh thủ họ Vương đâu rồi? Thay vào đó là một Vương Chính Học loạng choạng sau mỗi lần xoay vợt, chạm bóng của Nguyễn Ngọc Phan trong thế trận làm chủ quá nhàn nhã.
Nhưng giới chuyên môn phía Bắc khi đó biết rằng Chính Học gục ngã vì cao thủ miền Bắc có một thứ vũ khí bí mật, đó là cây vợt phản xoáy "xuất quỷ nhập thần". Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Nguyễn Danh Thái thổ lộ: "Chúng tôi chỉ đạo anh Phan sử dụng mặt vợt phản xoáy xoay liên tục để làm rối loạn kỹ thuật của Vương Chính Học. Lúc ấy thì bóng bàn thế giới chưa phân biệt mặt vợt hai màu đen - đỏ, do đó anh Phan dùng một kiểu đánh nhưng xoay vợt nên đối thủ rất khó phán đoán. Thời ấy ở miền Nam chưa đụng kiểu phản xoáy bao giờ".
Vài năm sau trận đánh có thể nói là kinh điển nhất trong lịch sử làng bóng bàn Việt Nam ở Quy Nhơn năm 1978, ông Vương Chính Học ra nước ngoài định cư và từ ấy không còn mấy ai nhắc đến tay vợt tài hoa một thuở của đất phương Nam nữa. Ông Nguyễn Ngọc Phan còn cầm vợt đến năm 1985 thì giải nghệ. Hiện tại, ông Phan và vợ sinh hoạt bóng bàn cùng tổ hưu trí tại một CLB ở quận 10, TP HCM. n
Kỳ tới: Đội bóng bàn mũ tai bèo
Bình luận (0)