Đây chính là 1 trong 2 sân chơi quan trọng bậc nhất trong năm 2023 cùng với nội dung bóng chuyền trong chương trình tranh tài của Asian Games 19. Các đội bóng mạnh nhất có trong đội hình các hảo thủ đang chinh chiến ở mọi giải vô địch quốc gia trên thế giới sẽ tề tựu về tranh tài ở hai sự kiện này.
Nếu môn bóng chuyền tại Asian Games 19 hứa hẹn sẽ "làm khó" người trong cuộc từ việc Ban tổ chức Á vận hội Hàng Châu bất ngờ dời lịch trình tranh tài muộn hơn dự kiến cũng như hạn chế tối đa nhân sự với chỉ 12 vận động viên mỗi đội bóng thì Giải Vô địch châu Á 2023 sẽ là "mảnh đất lành" cho tất cả các đội tham dự.
Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam háo hức bước ra sân chơi châu lục.(Ảnh: THẮNG NGUYÊN)
14 đội bóng nữ hàng đầu châu lục được bốc thăm chia vào 4 bảng (2 bảng 4 đội, 2 bảng 3 đội) và tuyển Việt Nam nằm ở bảng C cùng với Hàn Quốc, Đài Loan Trung Quốc và Uzbekistan. Với phong độ các cầu thủ đang ở điểm rơi cực tốt, đoàn quân của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt hoàn toàn có thể vượt qua vòng bảng để tiến sâu vào giải, kể cả khả năng phải chạm trán cùng chủ nhà Thái Lan ở giai đoạn đấu chéo tranh vé vào nhóm phân hạng.
Niềm tin của bóng chuyền Việt Nam hoàn toàn có cơ sở khi trong 4 tháng qua, Thanh Thúy và đồng đội liên tục phải chạm trán cùng các đội bóng rất mạnh từ cấp độ câu lạc bộ cho đến tuyển quốc gia. HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cùng các cộng sự cũng không dám mạo hiểm khi gần như sử dụng đúng một đội hình ở tất cả các giải đấu và những kết quả nhận được cho thấy đây là quyết định đúng đắn.
Hai ngôi vô địch AVC Cup và AVC Challenge Cup, danh hiệu á quân tại SEA Games 32 và cả 2 chặng SEA V-League cùng ngôi vị số 1 tại VTV Cup cho thấy bóng chuyền nữ Việt Nam đã đạt được những bước tiến khá vững chắc. Sau hàng loạt cuộc đọ sức với mật độ dày đặc và tần suất dồn dập trong 4 tháng qua, các tuyển thủ đã trui rèn cho mình những kinh nghiệm quý giá, sẵn sàng đối mặt với những thử thách mới mang tính lịch sử ở cả giải vô địch châu Á lẫn Asian Games.
Bình luận (0)