Chỉ là chuyến đi thử việc gói gọn trong vòng 6 ngày nhưng cơ hội để Thanh Thúy trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu ở giải bóng chuyền nhà nghề Nhật Bản là rất sáng sủa. Trục trặc trong khâu cấp visa đã khiến Thanh Thúy phải hoãn chuyến đi Nhật hồi cuối tháng 7 nhưng mọi chuyện đã được giải quyết chóng vánh và đêm 12-8, đội trưởng của đội tuyển bóng chuyền Việt Nam đã chính thức lên đường theo lời mời của CLB Densu Airybees.
Nếu thử việc thành công, Trần Thị Thanh Thúy sẽ chính thức khoác áo Densu Airybees, thi đấu trọn mùa tại giải VĐQG Nhật Bản với mức lương thỏa thuận 20.000 USD/tháng từ tháng 12-2019 đến tháng 4-2020. Theo thỏa thuận, Thanh Thúy được phép trở về cùng đội tuyển Việt Nam tranh tài tại SEA Games 30, thi đấu cho VTV Bình Điền Long An ở giai đoạn 2 Giải Vô địch quốc gia 2019 trước khi quay trở lại Nhật Bản. Nếu tiếp tục du đấu tại Densu Airybees những năm tiếp theo, Thanh Thúy sẽ chỉ được về nước những khi làm nhiệm vụ với đội tuyển quốc gia mà thôi.
"Không riêng Thanh Thúy, các cầu thủ khác nếu được mời thi đấu theo cách thức tương tự đều được lãnh đạo CLB ủng hộ, tạo mọi điều kiện xuất ngoại. Đây là cách để các VĐV vừa có thêm thu nhập, vừa tích lũy kinh nghiệm chinh chiến để đóng góp tốt nhất cho đội tuyển quốc gia. Dĩ nhiên, VTV Bình Điền Long An sẽ phải tăng cường công tác tuyển chọn, bổ sung lực lượng đủ sức thay thế các cầu thủ trụ cột để tranh tài ở giải VĐQG, giữ vững thương hiệu và vị thế đội bóng chứ không chỉ chăm chăm lo làm kinh tế" - trưởng đoàn Thái Bửu Lâm của VTV Bình Điền Long An, chia sẻ.
Thanh Thúy tiếp bước đàn chị Ngọc Hoa tỏa sáng ở các CLB quốc tếẢnh: Thanh Ba
Là cầu thủ bóng chuyền Việt Nam thứ 5 xuất ngoại (sau Ngô Văn Kiều, Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Kim Liên) nhưng Thanh Thúy lại đắt "show" nhất khi thi đấu thành công ở Bangkok Glass (Thái Lan, 2016), Attack Line (Đài Loan, 2017-2018). Chứng kiến những màn trình diễn ấn tượng của Thanh Thúy tại các giải quốc tế mà mới nhất là Cúp Các CLB Bóng chuyền nữ châu Á 2019, Densu Airybees và một CLB ở Giải Vô địch Thổ Nhĩ Kỳ cùng đưa ra lời chào mời hấp dẫn, đủ để biến cô chủ công 22 tuổi thành cầu thủ bóng chuyền có thu nhập cao nhất trong làng thể thao Việt Nam.
Có đôi chút lo lắng khi Thanh Thúy vừa dính chấn thương lật cổ chân ở VTV Cup 2019 và sự vắng mặt của cô trong trận chung kết được chỉ ra là lý do quan trọng khiến đội tuyển Việt Nam không thể đua tranh sòng phẳng với NEC Red Rocket, lỡ cơ hội bảo vệ ngôi vô địch giành được mùa trước. Bác sĩ của đội tuyển nữ Úc được mời khám riêng cho Thanh Thúy đã kết luận chấn thương không quá nghiêm trọng, có thể bình phục trong một thời gian ngắn nếu tích cực chữa trị. Dù vậy, chấn thương này cũng được dự báo sẽ "làm khó" đôi chút Thanh Thúy trong thời gian cô thử việc tại CLB Densu Airybees.
Những chuyến xuất ngoại thành công của Trần Thị Thanh Thúy, của Trần Thị Bích Thủy (cầu thủ Hóa chất Đức Giang thi đấu cho Air Force tại Thái Lan) hay trước đó là lời chào mời tặng học bổng 4 năm vừa học đại học vừa thi đấu tại Mỹ dành cho Nguyễn Thị Bích Tuyền (Vĩnh Long) khẳng định một thực tế là các tài năng trẻ của bóng chuyền Việt Nam đã, đang và sẽ còn tiếp tục được giới chuyên môn quốc tế thừa nhận. Sẽ còn nhiều gương mặt triển vọng lọt vào tầm ngắm của các "đại gia" và đấy chắc chắn là nền tảng đem lại thành công cho bóng chuyền nữ Việt Nam thời gian qua, gồm cả việc bảo vệ được tấm HCĐ U23 châu Á, để sẵn sàng hướng tới đấu trường quan trọng SEA Games 30.
Bình luận (0)