Chỉ sau hơn 1 năm gắn bó với bóng chuyền, từ việc tài trợ Giải Vô địch quốc gia, Giải Hạng A toàn quốc đến chuyện đồng hành cùng 2 đội bóng nữ Bộ Tư lệnh Thông tin và Bamboo Airways Vĩnh Phúc, Tập đoàn FLC đã chính thức rút lui do khó khăn bủa vây. Không phải chờ đợi quá lâu, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) đã mời được Tập đoàn Hóa chất Đức Giang - đơn vị chủ quản đội bóng nữ cùng tên - tài trợ cho Giải Vô địch quốc gia trong 3 mùa, kể từ năm 2022.
Đây mới thực sự là điểm nhấn quan trọng của mùa giải năm nay, diễn ra ngay sau thời điểm vừa kết thúc các cuộc thi đấu trong khuôn khổ SEA Games 31, đồng thời cuối năm nay bóng chuyền vẫn có tên trong chương trình tranh tài chính thức tại Đại hội Thể thao toàn quốc. Được sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính, Giải Vô địch quốc gia 2022 mới có điều kiện thực hiện những nội dung mới đã kể trên, nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của người hâm mộ.
Đã rất lâu, 2 đội tuyển bóng chuyền nam, nữ quốc gia mới cùng góp mặt trở lại ở trận chung kết SEA Games. Kết quả cuối cùng dù không như mong muốn nhưng cả 2 ngôi á quân khu vực vẫn được xem là tiền đề cho một chặng đường phát triển mới của bóng chuyền nước nhà, nhất là khi đội ngũ quản lý của nhiệm kỳ mới VFV cam kết sẽ làm tất cả vì sự cường thịnh của bộ môn thể thao mà sức thu hút công chúng có lẽ chỉ sau bóng đá.
Bóng chuyền Việt Nam sẽ áp dụng nhiều nội dung mới trong mùa giải 2022. (Ảnh: CƯỜNG PHẠM)
Cả 2 đội bóng nam, nữ Long An cùng vắng mặt ở giai đoạn 2 mùa giải 2021 vì dịch Covid-19 nhưng đều không bị đánh rớt hạng do tình hình thực tế đặc thù. Đó là lý do để Giải Vô địch quốc gia 2022 có đến 11 đội nam và 11 đội nữ tham dự; dự kiến sẽ có đến 2 đội nam và 2 đội nữ xuống hạng cuối mùa để lịch trình ổn định trở lại từ mùa giải năm sau.
Các đội bóng tham dự sẽ được chia thành 2 bảng ở cả giải nam và giải nữ, thi đấu vòng tròn một lượt chọn 2 đội đứng đầu mỗi bảng vào tranh bán kết và chung kết. Ba đội xếp chót 2 bảng sẽ đi tranh vòng "chung kết ngược", đội thắng trụ hạng và 2 đội còn lại sẽ xuống chơi ở Giải Hạng A năm sau.
Lần đầu tiên kể từ năm 2013, năm nay, bóng chuyền Việt Nam sẽ cho phép các đội được đăng ký 2 ngoại binh và chỉ sử dụng 1 ngoại binh trên sân ở mọi thời điểm. Theo VFV, việc sử dụng ngoại binh là cần thiết để tăng cường sức mạnh cho các đội bóng, thu hút được khán giả đến sân. Đó là chưa kể việc thường xuyên đối đầu cùng các ngoại binh sẽ giúp các cầu thủ Việt Nam tự nâng chất chính mình, rèn ý chí thi đấu cũng như kỹ năng ứng phó với mọi đối thủ.
Không phải đội bóng nào cũng đủ tiềm lực tài chính để thuê mướn ngoại binh. Vì thế, khán giả sẽ háo hức chờ xem 2 cầu thủ Thái Lan của Kinh Bắc Bắc Ninh hay ngoại binh Nigeria của Hóa chất Đức Giang Hà Nội cùng đội bóng mới của mình đương đầu ra sao với dàn hảo thủ gồm rất nhiều nữ tuyển thủ quốc gia của Bộ Tư lệnh Thông tin hay Ninh Bình Doveco. Tương tự, Sanest Khánh Hòa đã có ngoại binh người Úc còn Thể Công đang săn chữ ký của một ngôi sao người Đức, hứa hẹn những màn kịch chiến ở giải nam.
Ngoài việc chi 12 tỉ đồng tài trợ cho 3 mùa giải liên tiếp, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang còn cam kết hỗ trợ chi phí mua sắm công nghệ Video Challenger để hỗ trợ khâu trọng tài. Việc này sẽ bảo đảm kết quả chính xác, trung thực như người hâm mộ từng chứng kiến tại SEA Games 31 và các giải đấu quốc tế khác.
Bình luận (0)