Giải bóng đá Đức trở lại có phần suôn sẻ trong vài ngày qua, đã và đang là nguồn động lực rất lớn để hàng loạt giải VĐQG cũng như các cúp châu Âu có thêm tự tin để sẵn sàng tái xuất trong thời gian sớm nhất. Tự hào là giải đấu hấp dẫn hàng đầu châu lục, sân cỏ Ngoại hạng Anh được đông đảo người hâm mộ ngóng chờ. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, bóng đá xứ sở sương mù dời rồi hoãn lịch trình trở lại, mới nhất là lùi tái xuất thêm 2 tuần, đến tận ngày 26-6. Dời thời điểm mở màn, đương nhiên cũng phải lùi lại thời hạn kết thúc và Ngoại hạng Anh dự kiến hạ màn đến sát ngày 22-8.
Cung cách tổ chức quá nhiêu khê và phức tạp của Giải Ngoại hạng Anh khiến các cổ động viên nản lòng, đồng thời cũng gây thêm rất nhiều khó khăn cho chính các CLB của họ. Lùi thời điểm tái xuất quá xa, các đội bóng Anh như Man City, Man United - kể cả Wolverhampton, Chelsea vẫn chưa hết hy vọng ở cúp châu Âu - sẽ phải căng sức thi đấu dồn dập ở nhiều mặt trận ở đoạn kết của mùa giải, vào cuối tháng 8.
Man City gặp khó khi tiếp Real Madrid ở lượt về vòng 1/8 Champions LeagueẢnh: Reuters
Mọi việc chưa dừng ở đó khi mới đây, Chính phủ Anh có chỉ thị buộc mọi du khách khi đến quốc gia này từ đầu tháng 6 phải chấp hành việc cách ly 14 ngày. Không thể không lo lắng về chỉ thị này, các quan chức thể thao đã thuyết phục Bộ trưởng Văn hóa Oliver Dowden đề xuất việc miễn trừ cách ly cho các ngôi sao thể thao nước ngoài. Tuy nhiên, chính những người đứng đầu Bộ Y tế và Văn phòng Nội các đã phủ quyết mọi trường hợp ngoại lệ.
Chỉ thị mới của nước Anh vô tình đã đẩy lịch trình hai cúp châu Âu vào tình cảnh hỗn loạn mới. Ngoại trừ Liverpool, Tottenham đã chính thức bị loại, còn Chelsea sau thất bại 0-3 trên sân nhà khó lòng lật ngược tình hình trong trận lượt về vòng 1/8 trên sân của Bayern Munich, niềm hy vọng lớn nhất của bóng đá xứ sở sương mù lúc này là Man City cũng chẳng hy vọng gì nhiều.
Đoàn quân của Pep Guardiola đã đánh bại Real Madrid với tỉ số 2-1 trên đất Tây Ban Nha ở lượt đi, chỉ còn chờ cuộc tái đấu ở Etihad để cụ thể hóa cơ hội lọt tiếp vào tứ kết. Sẽ không thực tế khi yêu cầu Real Madrid chịu "giam mình" 2 tuần lễ trên đất Anh khi phía trước họ là lịch trình thi đấu khá căng thẳng ở La Liga.
Man City có thể sẽ theo gương PSG, chấp nhận thi đấu ở nước ngoài nhưng lại mất đi lợi thế sân nhà trước "gã khổng lồ" Real Madrid, là điều quá khó khăn. Không riêng Man "xanh", cả Wolverhampton và Man United cũng lo lắng không kém khi 2 đội bóng này sẽ tiếp đón Olympiakos và LASK để tranh vé vào tứ kết Europa League, mà cúp châu Âu vẫn còn các vòng bán kết, chung kết…
Từng có đề xuất đưa 92 trận đấu Ngoại hạng Anh còn lại sang Úc thi đấu, trong trường hợp Chính phủ Anh vẫn buộc phải siết chặt các quy định phòng chống dịch bệnh, nhiều khả năng ngay cả các trận đấu của UEFA Nations League, nơi tuyển Anh đua tài cùng các đối thủ Bỉ, Đan Mạch, Iceland ở bảng 2 nhóm A vào tháng 9 tới, cũng có thể sẽ được... xuất ngoại!
Bình luận (0)