Mỗi tuần một quyết định và sau 2 lần tạm hoãn, Hiệp hội Bóng đá Anh (FA), ban tổ chức các giải Ngoại hạng, Hạng nhất cùng với Hiệp hội Cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp (EPA) đang phải tính đến giải pháp khả thi nhất để khép lại mùa giải thay vì hủy bỏ để rồi phải nhận lại nhiều hệ lụy khó lường.
Cho đến thời điểm này, lịch dời hoãn các giải đấu ở Anh đến ngày 30-4 vẫn còn hiệu lực nhưng do lệnh phong tỏa quốc gia phải đến ngày 13-4 mới được tạm thời tháo dỡ, các đội bóng xem ra không còn bao nhiêu thời gian để cầu thủ tập luyện trở lại và ra sân thi đấu. Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa thể khẳng định khi nào tình hình có thể ổn định trở lại nên thời điểm để các hoạt động bóng đá tái xuất vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Cả châu Âu nhìn vào người Anh để có giải pháp cho cả mùa giải Ảnh: Reuters
Chính Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin khi trả lời phỏng vấn của báo La Republica (Ý) mới đây cũng tỏ ra hết sức bi quan khi nhận định: "Mùa giải hiện tại coi như thất bại hoàn toàn". UEFA đang cân nhắc 3 giải pháp để bóng đá trở lại, lần lượt vào giữa tháng 5, giữa tháng 6 hoặc cuối tháng 6, nhiều khả năng sẽ diễn ra hoàn toàn trên sân không có khán giả và mùa giải mới cũng sẽ khai diễn ngay sau khi mùa bóng cũ khép lại.
Tính toán của UEFA cũng trùng hợp với những gì mà giới quản lý bóng đá Anh đang đề cập đến. Mùa giải 2019-2020 ở Anh chắc chắn sẽ diễn ra trên các sân bóng đóng kín cửa trong khoảng từ 4-6 tuần, kể từ đầu tháng 7, khi không thể để các đội bóng đối mặt với khó khăn tài chính trong 4 tháng không bóng đá với hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD doanh thu "bốc hơi".
Năm 1986, khi tiếp nhận quyền sở hữu đội bóng AC Milan, tỉ phú Silvio Berlusconi khẳng định: "Nguồn thu lớn nhất của bóng đá sẽ đến từ truyền hình chứ không phải từ lượng khán giả vào sân. Các CLB sau này có thể mở cửa cho khán giả tự do vào xem, họ sẽ làm nền từ khán đài cho dàn diễn viên chính là các cầu thủ dưới sân". Nhiều người khi ấy đã cười mỉa mai Berlusconi mà không hề nhận ra rằng vị tỉ phú truyền thông kiêm chính trị gia lừng danh này đã có tầm nhìn vượt cả thời gian.
Số liệu thống kê trong năm qua cho thấy 20 CLB giàu nhất kiếm được tổng cộng 10,6 tỉ USD với 44% đến từ hợp đồng truyền hình, 40% từ các hoạt động thương mại và chỉ có 16% từ tiền bán vé. Không phải ngẫu nhiên trong những ngày qua, giải Vô địch quốc gia bị xem là "điên rồ" tại Belarus lại thu hút lượng người xem đông khủng khiếp khi mà mọi sân chơi bóng đá khác đều bị đóng cửa giữa mùa dịch bệnh. Khi người người được khuyến cáo nên ở nhà, những chương trình thể thao hoặc giải trí chất lượng trên truyền hình chắc chắn sẽ được yêu thích.
Việc các môn thể thao tiếp tục diễn ra tại các sân đóng cửa và chỉ phục vụ khán giả truyền hình không phải là ý tưởng tồi trong bối cảnh dịch bệnh dự báo sẽ dần lắng xuống sau 1-2 tháng nữa. Trong phạm vi hẹp, một đội bóng có thể tự kiểm soát, phòng ngừa tốt dịch bệnh và tiếp tục hoàn thành lịch thi đấu, bảo đảm các hợp đồng truyền hình và thương mại. Tất nhiên, để tăng thêm tính tương tác trên sân, các nhà tổ chức hẳn có thể tạo nhiều "hiệu ứng đám đông" để phục vụ tốt hơn người xem truyền hình.
Bình luận (0)