Chưa kể, vài CLB khác là cổ đông của VPF cũng đang trong giai đoạn quan sát và nhiều khả năng sẽ đồng tình hưởng ứng lời nhận xét của bầu Đức "tiền của cổ đông không thể giao cho một nhóm người ở VPF muốn làm gì làm".
Bầu Thắng (bìa trái) và bầu Đức (bìa phải) trong một cuộc họp của VFF năm 2017
Thế nhưng, có một điều khẳng định được ngay từ lúc này: cả 2 ông Nguyên Đức - Quốc Thắng sẽ không bỏ bóng đá mà họ đều có một mục đích chung: đầu tư bóng đá trẻ dưới hình thức xây dựng học viện bóng đá, đào tạo các tài năng trẻ song song 2 lĩnh vực: chuyên môn và văn hóa.
Bầu Đức và bầu Thắng chưa bao giờ có suy nghĩ chia tay V-League để hình thành một giải đấu riêng gồm những đội bóng của các ông bầu giàu tiềm lực lẫn tiềm năng chỉ muốn làm bóng đá sạch, qua đó đối trọng lại với V-League đang bị thao túng bởi một nhóm người trong bộ máy VFF và VPF.
Với 2 ông, bóng đá đỉnh cao Việt Nam không thể đi theo vết xe đổ của Indonesia: Một giải do Hiệp hội Bóng đá Indonesia và một giải có tên gọi Super League với sự tham dự của 8 đội bóng "ly khai" từ Giải Vô địch quốc gia Indonesia. Cách làm này đối với bầu Đức và bầu Thắng sẽ khiến cho bóng đá Việt Nam suy yếu vì các cầu thủ thi đấu giải không nằm trong hệ thống VFF, dứt khoát sẽ không được khoác áo đội tuyển quốc gia, đó là chưa tính đến những hệ lụy khác.
Vì vậy, đấu tranh kiểu này là tiêu cực. Là những người làm bóng đá tử tế, việc đấu tranh quyết liệt của bầu Đức và bầu Thắng trong thời gian qua là để bóng đá Việt Nam tốt hơn, đoàn kết hơn và trong sạch hơn.
Đó cũng là lý do 2 ông không bao giờ có ý định làm bất kỳ điều gì ảnh hưởng đên sự phát triển bóng đá nước nhà. Vì thế, đến đầu tháng 12-2017, ông Thắng rời khỏi chức Chủ tịch HĐQT VPF nhưng cuối tháng 11-2017, ông vẫn làm việc với đại diện Toyota và nhiều tập đoàn lớn khác với mục đích kêu gọi họ tài trợ nhiều hơn mùa trước rồi bàn giao lại cho nhiệm kỳ sau.
Hay như ông Đức đã giúp VPF bằng cách giới thiệu NutiFood nhận lời tài trợ V-League 2018 trước khi đội tuyển U23 Việt Nam lập kỳ tích tại giải trẻ châu lục ở Trung Quốc hồi đầu năm.
Thế nhưng, với cách điều hành còn điều tiếng, lắm lúc chưa thông qua trưởng Ban Kiểm soát, các cổ đông VPF cũng như thách thức cả dư luận của lãnh đạo VPF hiện nay, 2 ông Đức và Thắng dứt khoát không để tiền của mình, của tập đoàn do họ làm chủ tiêu xài thiếu hợp lý. Tiền đó họ dùng để xây dựng và phát triển học viện bóng đá trẻ vẫn tốt hơn. Quan điểm này đang nhận được sự đồng tình của đại đa số dư luận, người hâm mộ bóng đá chân chính.
Bóng đá Việt chỉ phát triển khi VFF và VPF quy tụ được những lãnh đạo có tâm và tầm, khi đó chắc chắn bầu Đức và bầu Thắng cùng nhiều ông bầu khác sẽ quay lại với VFF và VPF.
Bình luận (0)