Tái chinh phục ngôi vương Đông Nam Á và liên tiếp tạo địa chấn tại các giải U23, Asian Games 2018 và Asian Cup 2019, bóng đá Việt Nam được người hâm mộ châu lục hướng về bằng ánh mắt ngưỡng phục.
Định hướng và đầu tư dài hạn
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương khá tâm đắc khi nói đến cái duyên của HLV Park Hang-seo, vận đúng vào câu thành ngữ quen thuộc "Tướng hay phải có binh giỏi". Từng là trợ lý của HLV lừng danh Guus Hiddink đưa đội tuyển Hàn Quốc vào đến bán kết World Cup 2002, HLV Park Hang-seo đã trải qua một quãng thời gian dài lận đận trước khi "bén duyên" với bóng đá Việt Nam và khẳng định năng lực cầm quân của ông trong một môi trường hết sức thích hợp.
Sau những gì đạt được cùng với các đội tuyển Việt Nam chỉ sau hơn 1 năm, HLV Park Hang-seo cần được hưởng mức lương xứng đáng với "giá trị" của chính ông nhưng đấy vẫn chưa phải là yếu tố quyết định để giữ chân người thầy tài hoa này. Ngay từ lúc này, LĐBĐ Việt Nam cần có ngay những phương án để mời HLV Park Hang-seo tái ký hợp đồng với tất cả sự trọng thị để thuyết phục ông tiếp tục đồng hành dài hạn với bóng đá Việt Nam.
Hiện đảm trách cương vị Trưởng Ban Bóng đá học đường của LĐBĐ TP HCM, ông Đoàn Minh Xương nhận định: "Sau khi các đội trẻ Việt Nam vào đến VCK World Cup U20 thế giới, giành ngôi á quân U23 châu Á trong năm 2018, chiến tích của đội tuyển quốc gia tại các giải đấu khu vực và châu lục trong nửa cuối năm 2018 và đầu năm 2019 khẳng định bóng đá Việt Nam (BĐVN) hoàn toàn không thua kém bạn bè nếu biết định hướng đầu tư đầy đủ, bài bản, mạnh dạn đặt mục tiêu lâu dài".
Đào tạo trẻ trong những năm gần đây cho kết quả tốt với công lớn của các trung tâm tư nhân, nhờ đó các đội tuyển U23, Olympic và tuyển quốc gia A đạt thành tích ấn tượng trong 1 năm qua dưới sự nhào nặn của HLV Park Hang-seoẢnh: Anh Khoa
Giải pháp cho từng giai đoạn
Ông Xương phân tích: "Từ hơn chục năm trước, tiếp bước những "lò nhà nước" nổi tiếng như SLNA, Đồng Tháp, Thể Công hay
TP HCM, các mô hình đào tạo bóng đá trẻ tư nhân nối nhau ra đời, mang đến tư duy và cách làm mới về một phong trào dạy và học bóng đá hiện đại, từng bước tiệm cận trình độ của thế giới. Được cộng hưởng bởi xu hướng chung của khu vực, bóng đá trẻ có thêm nhiều sân chơi như SEA Games chuyển từ tuyển quốc gia sang lứa U23 rồi U22, xuất hiện các vòng loại châu lục, thế giới dành cho lứa U15, U19. Trong nước, Giải Bóng đá U21 được duy trì và tiếp tục được mở rộng sang cấp độ quốc tế. Các cầu thủ được cọ xát nhiều, gắn kết với nhau và sự bùng nổ trong lối chơi là một hiện thực tất yếu như tại VCK U23 châu Á 2018 và sau đó tất cả cùng thể hiện sự trưởng thành vượt bậc trong màu áo đội tuyển quốc gia. Để trông chờ những chiến công tương tự, thậm chí chói sáng hơn được tái hiện trong tương lai, nhất thiết phải có được một "tổng công trình sư", người chịu trách nhiệm phác thảo toàn bộ lộ trình của BĐVN và đưa ra được giải pháp cho từng giai đoạn, xác định cả điểm đến thành công".
Theo ông Đoàn Minh Xương, BĐVN đã trải qua 3 cột mốc lớn: HLV Karl Heinz Weigang đưa tuyển Việt Nam đến HCB SEA Games 1995; HLV Henrique Calisto đưa tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Cup 2008 và HLV Park Hang-seo đưa tuyển U23 đến ngôi á quân châu lục, bán kết ASIAD và sau đó cùng đội tuyển quốc gia giành ngôi vô địch AFF Cup và tứ kết Asian Cup… "Qua cả 3 giai đoạn ấy, liệu những người có trách nhiệm với BĐVN đã tiến hành đúc kết kinh nghiệm, đánh giá thực tiễn để đưa ra kế hoạch phát triển trong tương lai chưa? Chúng ta loay hoay với nhiều đời HLV ngoại mà mỗi vị đều đem đến một trường phái bóng đá khác nhau, Âu có Weigang, Murphy, Riedl, Calisto; Mỹ có Tavares; Á có Miura, Park Hang-seo và trường phái nào là thực sự phù hợp với BĐVN, với tầm vóc, thể trạng và tư duy cầu thủ Việt?" - chuyên gia này đặt vấn đề.
Cần đầu tư đồng bộ
Cựu HLV trưởng CLB Đồng Tháp băn khoăn: "Chúng ta đã từng có giám đốc kỹ thuật Wilfried Rainer, sau đó có Jurgen Gede nhưng đã sử dụng chất xám của họ ra sao cho mục tiêu của mình? TP HCM, SLNA, Đồng Tháp trước đây và sau này là HAGL, Viettel, PVF hay Hà Nội, mỗi lò đều có cách làm riêng, chất lượng đầu vào, đầu ra cũng rất khác nhau. Việc tất cả cùng ngồi lại để thống nhất phương pháp đào tạo ban đầu, từ lứa U6 đến U15, cần có vai trò và tiếng nói của LĐBĐ Việt Nam (VFF). Nếu thành công, đây sẽ là nền tảng cho việc hình thành bản sắc, lối chơi thuần chất Việt, không ngại khi ở độ tuổi trưởng thành, cầu thủ khó bắt nhịp với HLV của nhiều trường phái khác nhau".
Theo ông Xương, đã đến lúc liên bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Giáo dục - Đào tạo, với vai trò điều phối và thực hiện của VFF, cần quan tâm, đầu tư cho bóng đá học đường, tạo phong trào rộng khắp cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cho bóng đá. Ông nói tiếp: "Làm được điều này, tôi tin học sinh của chúng ta dù có thể không trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì cũng có đủ sức khỏe để học tập, công tác sau này. Bản thân các em cũng đã được nuôi dưỡng tình yêu với bóng đá, chắc chắn sẽ còn đóng góp cho chính bộ môn thể thao "vua" này dưới nhiều hình thức. Không chỉ có vậy, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống thi đấu cho bóng đá trẻ, hiện còn quá ít, không giúp các em tự tin khi được trao nhiệm vụ ở đội hình chính của CLB".
Mời tham dự diễn đàn
Sau những thành công vang dội trong 1 năm qua của các đội tuyển bóng đá Việt Nam ở cấp độ trẻ châu lục (á quân U23), hạng 4 Á vận hội, vô địch Đông Nam Á rồi vào tốp 8 Asian Cup 2019, làm gì để duy trì bước tiến mạnh mẽ trong tương lai và đạt đẳng cấp châu Á là mong mỏi của CĐV và thách thức lớn với bóng đá Việt Nam. Dịp này, Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Làm gì để bóng đá Việt Nam đạt đẳng cấp châu Á". Mời bạn đọc, người hâm mộ, CĐV đóng góp ý kiến, ý tưởng để bóng đá Việt Nam phát triển căn cơ, mạnh mẽ và giành suất dự VCK World Cup trong tương lai gần.
Thư từ, bài vở xin gửi về địa chỉ: thethao@nld.com.vn. Những đóng góp có giá trị sẽ được chúng tôi chuyển cho VFF và các ban, ngành liên quan.
Cơ hội cho nền bóng đá nhỏ
Chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ: "Người Đức vài lần vô địch World Cup nhưng sau khi đăng quang hồi năm 2014, họ lập tức đặt kế hoạch ít nhất cũng phải vô địch một lần nữa từ nay đến năm 2034, khởi đầu bằng việc LĐBĐ Đức tài trợ cho các CLB đào tạo lứa cầu thủ từ 4 đến 14 tuổi. Bóng đá Pháp sau danh hiệu vô địch World Cup 2018 đang rất "hút", cầu thủ Pháp được các chuyên gia săn đón, riêng CLB Lyon hằng năm thu về trên 150 triệu euro chỉ nhờ đào tạo, mua bán cầu thủ trẻ ra khắp châu Âu và thế giới. World Cup sẽ mở rộng với 48 đội dự VCK, đó là cơ hội cho những nền bóng đá nhỏ, trong đó có Việt Nam. Nếu biết nắm bắt cơ hội, giấc mơ sẽ không còn quá xa vời hiện thực với BĐVN".
Bình luận (0)