Ông bầu Quách Thành Lai, hay còn gọi là bầu Hưng, đã từ trần, để lại niềm thương tiếc cho giới bóng đá Việt Nam
Thông tin bầu Hưng, tên thật là Quách Thành Lai, ông chủ của Trung tâm bóng đá Thành Long, giã từ cõi trần đã được gia đình ông thông báo đến giới bóng đá Việt Nam theo một cách nhẹ nhàng, không ồn ào, giống hệt như tình yêu, cách làm bóng đá mà "ông bầu của những ông bầu" này đã từng làm cho bóng đá Việt. Bầu Hưng mất vào lúc 16 giờ 20 ngày 16-7-2018, hưởng thọ 68 tuổi.
Có người đã nói "Bầu Hưng lìa trần cũng chọn ngày. Ông phải xem hết chung kết World Cup 2018 đã rồi mới ra đi". Thực tế, trừ các thành viên gia đình và những người được tạo cơ hội chăm sóc bầu Hưng những ngày tháng cuối đời, khoảng 2-3 năm trở lại đây, hiếm người được gặp ông chủ của sân Thành Long.
Một góc sân trung tâm của trung tâm TDTT Thành Long, nơi bầu Hưng xây dựng nên để thỏa mãn tình yêu bóng đá vô điều kiện
Có thể nói, giới bóng đá Việt Nam không ai không biết bầu Hưng. Năm 2001, cùng thời điểm bóng đá Việt Nam chào đón những ông bầu giàu cá tính như ông Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai, hay ông Võ Quốc Thắng của Gạch Đồng Tâm Long An, ông bầu Quách Thành Lai cũng được nhắc đến với cách làm khác biệt 2 ông bầu kia. Bầu Hưng xây dựng một cụm 4 sân bóng đá ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP HCM) với quy mô diện tích 9ha, trị giá hơn 150 tỉ đồng.
Đó là số tiền khủng ở thời điểm đó, nhưng quan trọng hơn, việc bầu Hưng bỏ tiền túi ra để thỏa mãn tình yêu bóng đá vô điều kiện, khiến cho những người làm bóng đá Việt Nam cảm thấy nể phục. Các đội bóng khắp trong Nam ngoài Bắc, từ miền Trung cho đến khu vực Tây Nguyên, đều đã đặt chân đến Thành Long để tập luyện, thi đấu. Các đội tuyển ở nhiều giai đoạn luôn chọn Thành Long là nơi đóng quân. Dấu giày của rất nhiều thế hệ tuyển thủ đã in đậm ở chỗ bầu Hưng, một người luôn tâm niệm kinh doanh các dịch vụ giải trí tại Thành Long để nuôi chính nhân viên đang sống và làm việc nơi đây, cũng như hỗ trợ tối đa cho bóng đá thành phố qua nhiều thời khắc thăng trầm.
Ngôi sao bóng đá Hàn Quốc từng khoác áo M.U Park Ji Sung cũng từng đến sân Thành Long chơi bóng trong một chiến dịch quảng bá hình ảnh
Kiểu làm bóng đá của bầu Hưng luôn diễn ra nhẹ nhàng, đúng nghĩa "vô điều kiện", khi trừ khoảng thời gian ngắn ngủi ban đầu, suốt một thời gian dài, trung tâm thể thao Thành Long phải bù lỗ mỗi tháng khoảng 200 triệu đồng vì nhiều giải đấu mà VFF tổ chức ở đây luôn được ưu tiên giảm giá, rồi các đội bóng đến thi đấu, tập luyện cũng được hỗ trợ kinh phí tối đá.
Chính vì cái tâm với bóng đá Việt Nam, mà khi nghe tin bầu Hưng vĩnh viễn ra đi ở tuổi 68, sau 6 lần trải qua những đợt mổ tim, ai cũng cảm thấy buồn. Những lời chia buồn từ khắp nơi gửi về, với hy vọng san sẻ một chút tình cảm dành cho những thành viên gia đình bầu Hưng.
Bóng lăn mỗi ngày trên các sân bóng của Thành Long
Trung tâm thể thao Thành Long bây giờ đang được một doanh nghiệp quản lý, nhưng như cái cách họ trân trọng bầu Hưng khi dành hẳn cho ông một khu vực tại đây để nghỉ ngơi tuổi già dù đã chính thức chuyển giao từ năm 2011, rõ ràng ông bầu mê bóng đá "vô điều kiện" này đã có thể mỉm cười, an nghỉ nơi chín suối.
Người hâm mộ và những người làm bóng đá Việt Nam sẽ còn mãi nhớ đến ông, mỗi khi nhắc đến cái tên Thành Long.
Ăn no có sức thắng Thái Lan!
Cựu tiền đạo Nguyễn Việt Thắng, thành viên đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, chia sẻ: "Tôi nhớ như in mỗi lần đội tuyển tập trung ở Thành Long, cứ đến bữa cơm, bầu Hưng lại vào nhà hàng, hỏi thăm anh em cầu thủ và ban huấn luyện. Ông bầu còn hỏi bọn tôi: "Có tiền tiêu vặt không? Chút chú đưa mỗi đứa một ít mà tiêu. Ở Thành Long thì cứ massage xông hơi thoải mái nhé, chú đưa mấy đứa xấp vé. Chừng nào hết lên gặp chú, chú đưa tiếp. Còn ăn cơm, thèm món gì cứ nói bếp làm nhé. Ăn no mới có sức hạ Thái Lan được".
Nghe tin bầu Hưng mất, giới cầu thủ và cựu danh thủ bóng đá Việt Nam như Lê Thụy Hải, Trịnh Minh Huế, Nguyễn Trọng Giáp, Phạm Như Thuần... đều cảm thấy hụt hẫng, thương tiếc ông.
Bình luận (0)