Tháng 3-2016, tay vợt nữ số 4 thế giới Sharapova đột ngột tổ chức họp báo, thông báo việc cô bị phát hiện có phản ứng dương tính với dược chất cấm có tên “meldonium” tại Giải Úc mở rộng 2016. Cô không đưa ra được bằng chứng hay lý lẽ nào khác ngoài việc thanh minh sử dụng meldonium theo chỉ định của bác sĩ gia đình để chữa bệnh tức ngực và đau tim trong vòng 10 năm. Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) ra lệnh cấm thi đấu 2 năm với Sharapova. Phiên tòa dự kiến được mở để cô kháng án vì nhiều lý do đã phải dời đến tận tháng 9, đồng nghĩa với việc Sharapova chắc chắn không thể tham gia thi đấu tại Olympic Rio.
Chuyện của cá nhân Sharapova chưa kịp lắng xuống thì 2 tuần trước khai mạc Olympic Rio, Tòa án Trọng tài Thể thao quốc tế (CAS) bác đơn kháng án của 67 VĐV, cấm toàn bộ VĐV điền kinh Nga tham gia thi đấu tại Olympic Rio theo kiến nghị của Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF).
Đây là kết quả của cuộc đấu tranh kiên trì, dai dẳng mà IAAF - với sự hỗ trợ tối đa từ WADA (Cơ quan Phòng chống doping thế giới) - quyết định theo đuổi từ hơn 2 năm qua đối với những gì mà điền kinh Nga đã làm là “hủy hoại thanh danh của môn thi này tại Thế vận hội London 2012”. Bộ phận điều tra độc lập của WADA do cựu Chủ tịch Dick Pound đứng đầu đã công bố hồi cuối năm 2015 bộ tài liệu dày 323 trang đưa ra những chứng cứ khủng khiếp về sự bao che, dung túng ở các quan chức cấp cao.
Mười một tháng điều tra, thu thập chứng cứ, bộ phận điều tra đã phát hiện phòng xét nghiệm doping tại Moscow - Nga liên quan đến việc làm thay đổi kết quả hơn 1.400 mẫu thử máu hoặc nước tiểu. Bản báo cáo cũng cho thấy có sự chỉ đạo và can thiệp trực tiếp từ chính quyền Nga vào công việc của phòng xét nghiệm, kể cả từ Cơ quan An ninh Nga (FSB). Ông Pound và cộng sự cũng khẳng định họ có trong tay nhiều chứng cứ vi phạm được thu thập từ nhiều quốc gia, trong đó có Anh và tất cả đã được chuyển đến Interpol, dẫn đến việc bắt giữ cựu Chủ tịch IAAF Lamine Hiack và nhiều quan chức cao cấp của tổ chức này cuối năm 2015.
Cuộc điều tra này khởi đầu từ việc hãng truyền hình Đức ARD tung ra tài liệu có tên “Những ca doping bí ẩn hàng đầu: Người Nga đã giành chiến thắng như thế nào”, trong đó những người cung cấp nguồn tin đã phơi bày góc khuất của điền kinh Nga.
Nhiều VĐV Nga đã phải trả 5% thu nhập của mình cho những người có trách nhiệm về phòng chống doping ở nước này để được… cung cấp các dược chất bị cấm và bảng kết quả xét nghiệm đã được sửa chữa. Bản báo cáo khẳng định việc sử dụng doping rộng rãi được hậu thuẫn từ cựu quan chức Cơ quan Phòng chống doping Nga (RUSADA) Vitaly Stepanov và vợ ông ta là Yulia Rusanova, một cựu VĐV chạy 800 m đã bị cấm thi đấu do sử dụng doping. Ông Dick Pound và 2 chuyên gia hàng đầu của WADA thực hiện đề nghị cấm hoạt động vĩnh viễn đối với 5 HLV cùng 5 VĐV chạy cự ly trung bình, gồm cả Mariya Savinova và Ekaterina Poistogova, những người đã giành HCV và HCĐ 800 m tại Olympic London.
Vấn đề được đặt ra là liệu IAAF có vô can? Trách nhiệm của tổ chức này trong việc đăng cai các giải đấu lớn trong hệ thống thi đấu thường niên và có chu kỳ ra sao để điền kinh Nga và một số nước khác (Jamaica, Costa Rica, Mỹ, Anh) vi phạm ở mức độ quá nghiêm trọng như vậy? IAAF đã “bán” quyền đăng cai nhiều sự kiện điền kinh lớn cho nước Nga, từ Giải Vô địch thế giới 2013 cho đến Giải Vô địch trong nhà 2016. Giải Vô địch trẻ thế giới 2016 sẽ diễn ra tại Kazan trong khi Cúp Đi bộ IAAF 2008 từng diễn ra tại TP Cheboksary thuộc Nga và sẽ quay lại đây vào các năm 2016 và 2018?
Vì sao IOC nương tay với Nga?
Việc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) không cấm toàn bộ đoàn thể thao Nga tham dự Olympic 2016, ngoài các yếu tố nhân văn cũng như tránh làm mất lòng một đồng minh lớn như nước Nga, không thể không nhắc đến một thực tế: Tổ chức này luôn tỏ ra bất tín nhiệm với WADA, gần như trong mọi vấn đề. Cuối năm 2015, IOC từng dự kiến bảo trợ việc thành lập một tổ chức tương tự như WADA, hoạt động dưới sự hướng dẫn của IOC, nhằm bảo đảm việc phòng chống doping quyết liệt hơn, trung thực hơn. Đừng quên phòng xét nghiệm doping tại Moscow được chứng thực bởi chính WADA cho đến khi nổ ra sự việc (hiện đã bị đóng cửa).
Bình luận (0)