Nghịch lý có thật này đang được chính người hâm mộ đội bóng có biệt danh Selecao ủng hộ khi phần lớn không đồng tình việc LĐBĐ nước này xin giảm án phạt cho Neymar sau thẻ đỏ không đáng có ở trận thua Colombia. Rõ ràng, khi niềm tin không được đặt đúng chỗ, tất cả sẽ trở thành nỗi thất vọng khó lường mà Neymar đang phải trả giá vì cách hành xử lắm lúc vẫn còn trẻ con của chính mình.
Không có Neymar, tuyển Brazil trở lại quỹ đạo chiến thắng quen thuộc khi dễ dàng ghi bàn vào lưới đối thủ Venezuela bằng các pha lập công của trung vệ T. Silva và tiền đạo R. Firmino. Kết quả này một lần nữa chứng minh rằng Neymar không phải là “cứu tinh” duy nhất của tuyển Brazil khi các tiền vệ Robinho, Willian và Coutinho sẵn sàng làm tốt vai trò kiến tạo dù Brazil vẫn cần một mẫu cầu thủ biết cách tạo đột biến, ghi bàn từ sút xa hoặc đá phạt như Neymar.
Kể từ năm 2010 khi Neymar lần đầu được triệu tập và nhanh chóng khẳng định được chỗ đứng ở tuyển Brazil, anh mới chỉ vắng mặt 11 trận. Vấn đề là khi không có Neymar, Brazil thắng tới 8 trận, tức hơn 72%, một tỉ lệ rất đáng lưu tâm. Đó là chưa kể 3 trận gần nhất không có sự góp mặt của Neymar, Brazil thắng cả 3 (Mexico, Honduras, Venezuela)!
Ở đất nước mà bóng đá được xem như một thứ tôn giáo thực sự, Brazil nhiều năm gần đây không còn sản sinh được những chân sút kiệt xuất. Những Fred, Hulk hay Tardelli khả năng hết sức hạn chế nhưng vẫn được triệu tập, đây thực sự là điều đáng buồn cho Selecao. Sự mờ nhạt của các “vệ tinh” này càng làm nổi bật sự phụ thuộc quá nhiều của tuyển Brazil vào vai trò của Neymar, khởi đầu từ thời HLV Scolari ở World Cup các châu lục 2013 cho đến nhiệm kỳ hiện tại của C. Dunga.
Không dám liều lĩnh tính toán ở trận gặp Venezuela sau quá nhiều cú sốc (chỉ cần hòa 1-1 là vào tứ kết để gặp đối thủ yếu Bolivia), Brazil đang lo ngay ngáy việc tái ngộ Paraguay, đối thủ 4 năm trước đã loại họ ở tứ kết Copa America 2011 bằng loạt đá luân lưu 11 m sau 120 phút đôi bên không ghi được bàn nào. Giả sử có vượt qua được đối thủ khó chịu này, Brazil sẽ tiếp tục phải đối mặt với ứng viên Argentina ở bán kết, khó lòng mơ đến việc lên ngôi lần thứ 5 ở 7 mùa giải gần nhất.
Ở tứ kết, Argentina chạm trán Colombia, đội hạng ba bảng C sau trận hòa 0-0 với Peru. Vậy là ở tứ kết, CĐV sẽ chứng kiến 3 đại chiến Brazil - Paraguay, Argentina - Colombia và chủ nhà Chile - Uruguay. Cặp tứ kết còn lại ít hấp dẫn nhưng cân bằng: Bolivia - Peru.
Lịch thi đấu tứ kết
Ngày 25-6: Chile - Uruguay (6 giờ 30 phút); ngày 26-6: Bolivia - Peru (6 giờ 30 phút); ngày 27-6: Argentina - Colombia (6 giờ 30 phút) và ngày 28-6: Brazil - Paraguay (4 giờ 30 phút).
Các trận của giải được SCTV15 và BTV5 truyền hình trực tiếp.
Bình luận (0)