Nhiều giai thoại vẫn kể rằng, đất Sài Gòn xưa là nơi quy tụ của loài... cá sấu. Cứ mỗi chiều, chúng tụ tập thành từng đàn, đầm mình dưới các con rạch và cất tiếng kêu vang tựa như nghé gọi bầy. Địa danh rạch Bến Nghé ra đời từ đó. Nhưng như vậy quê hương thật sự của con cá sấu trên đất Sài Gòn này là ở đâu? Một người bạn là chuyên gia nghiên cứu về động vật học đã đố tôi như vậy và tiết lộ một chi tiết làm tôi phải giật mình. Không giật mình sao được khi cư ngụ ở quận 12 mấy chục năm nay, nhưng bây giờ tôi mới biết, đây là vùng đất “đại bản doanh” của loài vật này. Chắc có lẽ xuất phát từ chiếc nôi sản sinh cá sấu, nơi đây vừa cho “ra lò” một làng nghề “độc nhất vô nhị” của cả nước: làng cá sấu Sài Gòn.
Về “quê hương” cá sấu
Các bậc cao niên ở phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân giải thích rằng, hàng trăm năm trước, vùng đất này là rừng rậm, sông rạch chằng chịt với đủ động vật hoang dã nhưng nhiều nhất là cọp và... cá sấu. Cứ vài ngày, cọp và cá sấu lại “đụng độ” với nhau. Khúc sông diễn ra những cuộc chiến “nảy lửa” giữa “chúa tể sơn lâm” và “chúa tể mặt nước” sau này được những người đi khai hoang làm cầu nối qua sông và đặt tên là cầu Ông Đụng. Nơi hai “ông” cọp và cá sấu “đụng” nhau, nay nằm trên địa bàn phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, sát bên làng cá sấu Sài Gòn. Sự thật không biết ra sao, nhưng người dân quận 12 lại có câu ca dao riêng “Hóc Môn (quận 12) xứ sở lạ lùng, dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” .
Có phải ngẫu nhiên hay không, nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, dân quận 12 áp nhau nuôi cá sấu. Mà họ nuôi cá sấu “mát” tay thiệt. Nhiều người lý giải rằng, nhờ đất này có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp đặc biệt với loài bò sát trên. Gần 70 hộ nuôi hơn 4.000 con, trong đó phân nửa hộ diện xóa đói giảm nghèo. Kết quả là mỗi hộ trong năm kiếm được ít nhất 20 triệu đồng tiền lãi. Thật ra, chuyện nuôi cá sấu không mới. Người dân miền Tây từng lao đao vì nuôi cá sấu nên thú thật tôi cũng khá tò mò về chuyện quận 12 lại hình thành cả một làng nghề nuôi cá sấu. Tôi hỏi anh Tôn Thất Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà - đơn vị chủ trì của dự án làng nghề, thì anh Hưng cười, bảo: “Cậu cứ thử tham gia một tour “hành trình về quê hương cá sấu” đi rồi biết...”. Vậy là tôi bỏ cả ngày trời, theo chân mấy anh kỹ thuật viên, hướng dẫn viên đến thăm các hộ nuôi cá sấu trong làng nghề.
Vào chuồng... cá sấu
Dì Trương Thị Lý, ngụ khu phố 1, Thạnh Xuân, một hộ nghèo nuôi hơn 100 con cá sấu từ năm 2000 đến nay, hướng dẫn tôi cách chăm sóc cá sấu như sau: Mỗi ngày dọn chuồng một lần vào mỗi buổi sáng sau đó xắt nhỏ thịt heo, gan, tim, cật bò... cho sấu ăn vào buổi trưa và chiều cho ăn dặm thêm các loại cá đồng. Tôi bậm gan mò vào dãy chuồng nuôi cá sấu loại một năm tuổi, chỉ mới dài khoảng 1 m, nặng 3 kg. Anh Đặng Hồng Sơn, kỹ thuật viên, bảo đảm những con này chưa... nguy hiểm, nhưng thú thật nhìn chúng quẫy quẫy, há miệng chực lao tới mình, tôi cứ run bần bật. Tôi cố quét chuồng cho nhanh, rồi cho sấu ăn mà mắt không rời khỏi những con cá sấu như khúc cây khô cằn, đôi mắt luôn hằm hè đe dọa... Hàm cá sấu không nhai được, chúng ngoạm con mồi bằng bộ răng rất cứng, tự xoay mình để xé mồi ra từng mảng nhỏ rồi nuốt. Sau khi no nê, cá sấu bò lên nền xi măng nằm duỗi dưới nắng, nước mắt nhỏ liên tục. Thì ra khi đã căng bụng, mắt chúng nhỏ nước để điều hòa bài tiết.
Chúng tôi bước qua dãy chuồng cá sấu 6, 7 tuổi, tức là đang ở lứa tuổi “yêu đương”. Những cặp cá sấu đang quấn lấy nhau để... tình tự. Anh Sơn cho biết mùa giao phối của cá sấu là từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Cá sấu theo chủ nghĩa đa thê, một ông chồng cưới nhiều vợ để tha hồ... truyền giống. Tuy nhiên, các “nàng” lại là người ve vãn và khơi mào chuyện ái ân trước. Sau khi có mang và đẻ khoảng 25-50 trứng, sấu mẹ đào ổ rồi lấp lại ấp trứng. Ở trại cá sấu Hoa Cà, công đoạn này đã được máy làm thay.
Coi mắt... cá sấu
Sau khi tham quan khu xưởng pha da, làm ví, dây nịt, móc khóa... do chính người nông dân địa phương đảm trách, anh Sơn bảo: “Bây giờ mình đi xem mắt... cá sấu”. Vậy là chúng tôi xuôi theo đường Hà Huy Giáp đến ngã ba cá sấu, thuộc khu phố 1, Thạnh Lộc, để bước vào khu trung tâm làng nghề mới được dời về từ khu cá sấu Hoa Cà ở Bình Triệu, Thủ Đức. Đi ngang phòng mổ cá sấu, các nhân viên mặc đồ y tế xẻ thịt từng con cá sấu nặng khoảng 20 kg. Những con cá sấu bị chích thuốc, trói quặp bốn chân ra phía sau và buộc mõm được ba người đưa lên bàn mổ. Anh Tôn Thất Hưng giải thích, tùy theo nhu cầu sản phẩm mà cá sấu được mổ theo hai cách. Mổ lưng sẽ được da bụng làm ví còn mổ bụng sẽ lấy tấm gai lưng để làm dây nịt, túi xách...
Chờ trời tối, chúng tôi mỗi người một cái đèn pin, bước lên cái tháp cao gần 30 m, xung quanh bạt ngàn là chuồng nuôi cá sấu. Trong bóng đêm, mắt cá sấu sáng đỏ rực lên dưới ánh đèn tạo thành một khung cảnh khá ấn tượng. Đây cũng là phương pháp mà các nhà sinh học dùng để đếm số lượng cá trong thiên nhiên vì con cá sấu quen quan sát theo chiều ngang. Về đêm đồng tử giãn nở thành hình tròn tăng tối đa sự thu nhận hình ảnh, giúp cá sấu có thị giác sắc như... cú mèo.
Thú thật, sau khi đi tham quan một vòng, ngồi giữa “quê hương” cá sấu nhâm nhi rượu mật sấu và huyết sấu, thưởng thức các món chả giò Hoa Cà, cà ri... sấu, sườn nướng, sấu hấp gừng, lẩu sấu... do chính những nông dân địa phương nuôi và chế biến, ngà ngà say, có lúc, tôi ngỡ mình ngồi giữa... đầm lầy cá sấu!
Nuôi cá sấu xóa đói giảm nghèo
Tôi biết anh Tôn Thất Hưng, người “ chủ xị” làng nghề này, từ năm 1987. Khi đó, anh là người đi tiên phong nuôi và cho ấp, nở cá sấu đầu tiên trong cả nước. Nhưng ý tưởng thành lập hẳn một làng nghề chuyên nuôi... cá sấu để giải quyết việc làm cho người nghèo có từ năm 2000 mà theo anh Hưng là nhằm mục đích nuôi cá sấu gắn với cộng đồng.
Theo kế hoạch thì đến năm 2010, làng nghề sẽ có khoảng 15.000 con cá sấu với vài trăm hộ nuôi. Những hộ mới nuôi sẽ được ứng 100% vốn và làng nghề chịu mọi rủi ro. Làng nghề cũng đang mở lớp dạy cho nông dân tự mổ, may gia công sản phẩm từ da cá sấu. Riêng những hộ nghèo có thể vay vốn xóa đói giảm nghèo để nuôi... loài bò sát này. Năm 2003 vừa qua là năm có nhiều tin vui cho những người nuôi cá sấu vùng ven: Dự án Làng nghề nuôi và chế biến da cá sấu xuất khẩu quận 12 đã được UBND TP phê duyệt và đầu tư trở thành một trong 4 làng nghề điểm của TP. Đồng thời, CITES (Tổ chức Công ước Quốc tế về buôn bán động vật hoang dã) đã chính thức cho phép Công ty Hoa Cà xuất khẩu sản phẩm từ thịt và da cá sấu ra thị trường các nước Mỹ, Nhật Bản và châu Âu...
Những ngày này, anh Hưng cùng những người nông dân khá tất bật cho việc hoàn chỉnh một làng nghề quy mô trong tương lai. Anh hào hứng khoe với tôi rằng, sau một thời gian con cá sấu lao đao, bây giờ đã có hẳn được một nơi nuôi, chế biến sản phẩm và phục vụ du lịch để có thể tự hào với quốc tế. Con cá sấu hình hài xấu xí nhưng đem đến những hứa hẹn đẹp và đẹp nhất là đã vực dậy được cuộc sống của nông dân.
Bình luận (0)