May mắn là bức tranh với bảng màu xám xịt ấy bỗng rực sáng, tươi tắn hơn nhờ cuộc lội ngược dòng không tưởng của Ả Rập Saudi trước ứng viên vô địch hàng đầu Argentina.
Các CĐV thuộc hàng trung niên chắc chưa quên bàn thắng đẹp mắt của Said Al Owairan tại World Cup 1994 ghi vào lưới tuyển Bỉ, được xem là một trong những siêu phẩm của bóng đá thế giới. Tiền đạo này đã dẫn bóng suốt 70 m, vượt qua 6 đối thủ và cả thủ môn tuyển Bỉ để ghi bàn trong chiến thắng 1-0, đưa Ả Rập Saudi lọt tiếp vào vòng knock-out, điều mà đội bóng này vẫn chưa thể tái hiện suốt 4 lần tham dự World Cup sau đó.
Argentina đêm 22-11 đã quá chủ quan với 4 lần sút tung lưới Ả Rập Saudi trong hiệp 1 dù chỉ được tính 1 bàn thắng. Ẩn nhẫn chịu đựng, nén lại như cánh cung rồi bung xõa hết cỡ ở hiệp 2, Ả Rập Saudi thắng nhờ "bài" phản công, khai thác tốt việc đối thủ không có những cầu thủ giàu tốc độ, biết chơi bóng bổng.
HLV Đoàn Minh Xương
Đoàn quân Ả Rập của HLV Herve Renard có thể khó tiến xa khi đối đầu cùng Argentina, Ba Lan và Mexico nhưng chiến thắng mở màn của họ đã khiến cục diện bảng C trở nên hấp dẫn hơn, đáng xem hơn. Đó cũng là nét mừng, nói đúng hơn là tín hiệu tích cực cho làng cầu châu Á. World Cup 2022, từ đây, cũng được kỳ vọng sẽ còn xuất hiện nhiều bất ngờ, tạo nên cục diện sinh động cho những cuộc đua tranh ngay từ vòng bảng thay vì chỉ nóng lên từ giai đoạn knock-out như giới chuyên môn từng nhận định.
World Cup 2022 chưa đi qua hết lượt trận vòng bảng đầu tiên và chiến công của Ả Rập Saudi được trông chờ sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho các đội bóng châu Á, kể cả các đại diện châu Phi. Châu Phi có 3 đại diện từng vào đến tứ kết, còn Hàn Quốc thậm chí tiến sâu đến trận bán kết World Cup 2002 trên sân nhà.
Liệu sẽ có một đại biểu nào của 2 lục địa này tái lập kỳ tích của Hàn Quốc tại Qatar, kể cả bước tiếp đến tận trận cuối cùng? Hãy cứ mộng mơ vì đó là cơ sở để chúng ta suy nghĩ và tìm giải pháp thực hiện, biến tất cả thành thực tế.
Đào Tùng ghi
Bình luận (0)